Giới thiệu chung
Bệnh thối đen thân là một bệnh gây hại nghiêm trọng ở nhiều vùng trồng thuốc lá trên thế giới như: Ấn Độ, Nga, Cu ba, Nam Trung Quốc, Indonesia….Ở nước ta bệnh có xu hướng gia tăng tác hại cả trên thuốc lá và thuốc lào. Bệnh gây hại ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng của cây từ gây chết cây con, thối rễ, thối đen thân…
1.1. Triệu chứng
Cây thuốc lá bị héo rũ, triệu chứng ban đầu của bệnh thối đen thân
Giai đoạn cây con trong vườn ươm, vết bệnh lúc đầu là một điểm nhỏ màu nâu hoặc màu đen ở rễ. Bệnh phát triển theo chiều lên thân cây và xuống rễ. Khi cắt gốc thân thấy lõi biến thành màu nâu đen. Ở giai đoạn này có nhiều loại nấm bệnh khác ký sinh khác nên rất khó phân biệt với triệu chứng chết rạp cây con hay lở cổ rễ.
Giai đoạn cây đã lớn đến khi thu hoạch và kết thúc vụ trồng, triệu chứng đầu tiên là héo lá từ gốc lên ngọn, sau 7 – 15 ngày cây héo rũ hoàn toàn và chết khô. Trên gốc thân có vết màu đen kéo dài về hai phía trên và dưới. Vết bệnh kéo dài ở bên ngoài vỏ thân, ban đầu như bị thấm nước, sau đó chuyển mầu đen. Gặp điều kiện trời nắng và khô vết bệnh lõm xuống ở phần vỏ cây bị bệnh. Kích thước vết bệnh tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chiều rộng 0,5 đến trên 1 cm và kéo dài theo thân tới 50 cm, đôi khi ta thấy xuất hiện dịch nhầy như bị chảy gôm trên vết bệnh. Chẻ dọc thân cây bệnh thấy lõi màu nâu đen và có nhiều tầng rỗng. Nấm gây bệnh từ thân xâm nhiễm cả vào chồi nách và gây héo chồi, phần tiếp giáp thân và chồi nách cũng chuyển mầu đen.
Nhổ cây bị bệnh thì thấy rễ tơ và rễ chính chuyển mầu thâm đen như thấm nước, sau đó bộ rễ bị thối mục, rất dễ nhổ.
Bên ngoài vỏ cây bị bệnh xuất hiện các vết đen chạy dọc theo thân cây | Bên trong lớp vỏ cũng xuất hiện các vết đen chạy dọc theo thân cây từ dưới lên trên |
Chồi nách cũng bị héo | Nấm gây bệnh từ thân cây xâm nhiễm vào chồi nách |
1.2. Nguyên nhân
Bệnh Phytophthora parasitica var. nicotianae (Breda de Haan) Tucker gây ra . Nấm này thuộc lớp nấm noãn - Oomycetes. Cũng có tài liệu ghi tên nấm gây bệnh là Phytophthora nicotianae Breda de Haan (1896).
Sợi nấm không vách ngăn, không màu, phân nhánh khúc khủy, đường kính khoảng 5µm
Sợi nấm Phytophthora parasitica var. nicotianae (Breda de Haan) Tucker
Cành bào tử bọc không mầu, đơn bào, mọc từ lỗ khí ,riêng rẽ hay thành từng cụm 2 - 3 cành trên đầu đính bào tử bọc hình trứng hoặc hình quả chanh. Trên đỉnh bào tử bọc có núm lồi, kích thước 35 x 8 mm.
Bào tử bọc không mầu, bên trong có kết cấu dạng hạt. Trong điều kiện có nước tự do bào tử bọc sẽ vỡ ra ở phần đầu và giải phóng các du động bào tử (hay còn gọi là bào tử động). Mỗi bào tử bọc có khoảng từ 10 đến 20 du động bào tử. Du động bào tử hình bầu dục, có 2 lông roi, dễ dàng di chuyển ở trong nước. Trong điều kiện độ ẩm thấp, bào tử bọc nảy mầm trực tiếp thành ống mầm để xâm nhiễm vào nhu mô cây.
Bào tử vách dầy – Chlamidospore, nấm Phytophthora parasitica var. nicotianae (Breda de Haan) Tucker | Bào tử bọc nấm Phytophthora parasitica var. nicotianae (Breda de Haan) Tucker |
Nấm gây bệnh hình thành bào tử vách dầy (bào tử hậu) trong mô tế bào ký chủ. Bào tử vách dầy có hình cầu, mầu nâu nhạt. Khi nảy mầm tạo ống mầm và phát triển thành sợi nấm. Bào tử vách dầy (Chlamydospores) có đường kính 13–60 µm, trung bình là 28 µm. Vách của bào tử vách dầy (Chlamydospore walls) dầy khoảng 1,5 µm.
1.3. Phát sinh gây hại
Nấm gây bệnh tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh. Bào tử vách dầy có thể tồn tại trên 2 năm trong đất trồng không ngập nước.
Nấm có thể phát triển trong phạm vi nhiệt độ rộng từ 5 - 37oC, nhưng nhiệt độ thích hợp nhất là 27 – 32oC . Nấm gây bệnh thích ứng với độ pH 4,4 - 9,6 nhưng thích hợp nhất là pH 6 - 7.
Trên đồng ruộng bệnh phát triển thuận lợi ở điều kiện có nhiệt độ và độ ẩm cao. Vườn ươm, vườn trồng gặp mưa nhiều hoặc đất quá ẩm ướt bệnh phá hại nặng hơn.
Ruộng thoát nước tốt, nhất là nước mưa bệnh thường nhẹ hơn. Ruộng có nhiều tuyến trùng hại rễ, tạo vết thương trên rễ cũng thường làm cho bệnh phát sinh và gây hại nặng hơn.
Biện pháp canh tác
Luân canh với lúa nước là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Sử dụng giống chống bệnh có tác dụng giảm bệnh rõ rệt.
Vườn ươm nên dùng đất mới, đất lấy ở tầng sâu dưới 35 cm cũng hạn chế nguồn bệnh gây hại trên cây con.
Xây dựng hệ thống thoát nước tốt ở ruộng trồng thuốc lá, thuốc lào, vun luống cao tránh để cây bị ứ đọng nước nhất là nước mưa.
Bón phân cân đối N,P và K, tới nước sạch và không tạo vết thương trong quá trình chăm sóc.
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu huỷ cây bệnh ban đầu trên ruộng.
Biện pháp thuốc BVTV
Sử dụng chế phẩm nấm đối kháng: Trichoderma, Cheatomium…trộn đầu với phân hữu cơ hoai mục bón lót cho cây trước khi gieo trồng trong vườn ươn và ruộng trồng thuốc lá, thuốc lào.
Phun thuốc kịp thời khi thấy bệnh mới xuất hiện. Phun “tiễn chân” ở vườn ươm trước khi nhổ cây con 1- 2 ngày và ở ruộng trồng khi bệnh chớm phát sinh. Một số thuốc chứa hoạt chất: Fosety Aluminium, Metalaxyl…có hiệu lực phòng chống bệnh cao.