Theo Sở NN-PTNT An Giang, qua nhiều năm theo dõi cho thấy, xuống giống lúa vụ hè thu càng muộn, dịch bệnh xảy ra càng phức tạp, đặc biệt là muỗi hành.
An Giang tiến độ xuống giống vụ hè thu chậm. Ảnh: TL.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, vụ đông xuân 2020 - 2021, tổng diện tích xuống giống đối với lúa toàn tỉnh trên 230.000ha, nhưng đến nay chỉ mới thu hoạch được hơn 138.000ha, đạt 60,02% diện tích, năng suất ước đạt 7,78 tấn/ha.
Hiện còn trên 102.000ha lúa đông xuân 2020 - 2021 chưa thu hoạch, nguyên nhân do vụ đông xuân năm nay thời tiết lạnh hơn so với cùng kỳ nên thời gian sinh trưởng cây lúa kéo dài, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống vụ tiếp theo.
Theo kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt vụ hè thu năm 2021, khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống của tỉnh An Giang, thời gian xuống giống lúa vụ hè thu 2021 từ 15/3/2021 đến ngày 10/5/2021.
Tính đến ngày 7/4/2021, toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu chỉ được 27.300ha/230.000ha, đạt 11,87% điện tích (cùng kỳ là 37,5%). Diện tích xuống giống lúa tập trung chủ yếu tại huyện, thị: Long Xuyên, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Chợ Mới và Thoại Sơn, các huyện còn lại hiện chưa xuống giống.
Sở NN-PTNT An Giang vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, Hợp tác xã và tổ đường nước tiếp tục tuyên truyền người dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao trong vụ hè thu.
Họp dân bơm nước để đẩy nhanh tiến độ xuống giống, khung lịch thời vụ quy định và tập trung né rầy. Vận động nông dân khi thu hoạch xong cần tranh thủ vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ hè thu kịp thời.
Tăng cường kiểm tra và có kế hoạch nạo vét hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu theo từng tiểu vùng để kịp thời sản xuất và ứng phó trước tình trạng hạn và thiếu nước tưới đầu vụ. Tập trung theo dõi tình hình sản xuất lúa, phát hiện sớm tình hình dịch hại và có biện pháp quản lý hiệu quả nhằm đảm bảo sản xuất được thắng lợi vụ hè thu.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật 1 phải 5 giảm - đặc biệt là tưới nước tiết kiệm (ngập - khô xen kẽ), 1 phải 5 giảm, IPM, SRP vào sản xuất nhằm giảm chi phí giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa.
Hương Huệ