Xây được nhà 'sành điệu' từ nghề trồng và kinh doanh cây cảnh

HÀ NỘI - Cây cảnh anh Oai làm ra đều bán được giá rất cao, đôi khi gặp khách 'chịu chơi', chỉ bán một cây chừng 10 năm tuổi cũng có thể mua được 10 tấn thóc ngon...

Bén duyên với nghề trồng cây cảnh từ năm 2.000, đến nay anh Nguyễn Văn Oai ở xã Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội đã xây được ngôi nhà "sang chảnh" đẹp có tiếng.

cây cảnh

Căn nhà làm lên từ nghề trồng cây cảnh của anh Oai. Ảnh: Hải Tiến.

Nghề làm “1 vốn 4 lời” 

Theo đánh giá của nhiều người khi đến thăm, để có được ngôi nhà này, anh Oai có lẽ phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng, trong nhà anh Oai mua toàn những đồ nội thất qúy hiếm, đắt tiền. Nhưng trên hết, tất cả nhà cửa anh Oai có được đều có từ nghề trồng, kinh doanh các loại cây cảnh lưu niên.

Anh Oai kể, trồng 0,1ha cây cảnh từ năm 2.000, nhưng phải tới năm 2008 anh mới tích cóp đủ tiền thuê thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất cây cảnh lên 0,5ha, cũng là lúc thị trường cây cảnh nước ta trở nên sôi động, nhất là từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay. Nhờ đó, các loại cây cảnh của anh Oai làm ra đều bán được giá rất cao, đôi khi gặp khách "chịu chơi", chỉ xuất vườn 1 cây chừng 10 năm tuổi cũng có thể mua được 10 tấn thóc ngon, trong khi đầu tư chủ yếu là công lao động và chi phí cũng chỉ hết khoảng 20 - 25% doanh thu từ cây cảnh.

cây cảnh

Khách đến tham quan nhà và kiểu mẫu khuôn viên cây cảnh của anh Oai. Ảnh: Hải Tiến.

Lợi nhuận thu về hàng năm, anh Oai đều dành cho tái sản xuất mở rộng. Từ chỗ thuần túy trồng cây cảnh các loại, anh Oai chuyển dần sang vừa trồng vừa kinh doanh, vừa làm dịch vụ thiết kế trồng, kê đặt chậu cây cảnh trong khuôn viên, nội thất gia đình, công sở... Cứ như vậy, lãi mẹ đẻ lại lãi con, sau 23 năm cần mẫn chăm sóc, uốn tỉa, xuất vườn ngót 10.000 cây cảnh đủ loại, anh Oai đã có tiền xây dựng cơ ngơi sành điệu.

Cây tạp vứt bỏ cũng thành bonsai độc đáo

Trồng, kinh doanh các loại cây cảnh bán được giá tốt là do anh Oai luôn tạo ra những dòng sản phẩm có kiểu dáng “độc” lạ, có giá trị thẩm mỹ cao, đặc biệt còn mang hàm ý nhân văn sâu sắc, nên dễ thu hút được người tiêu dùng có thu nhập cao. Cùng với đó, anh còn săn tìm được nhiều nguồn cây phôi (cây 2 - 3 năm tuổi chưa uốn tỉa hoặc mới có dáng, thế cơ bản) giá rẻ, giúp hạ giá thành phẩm, gia tăng lợi nhuận.

cây cảnh

Chậu sanh cảnh dáng làng. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Tạ Minh Chức, Chủ tịch Hội Làm vườn Quốc Oai tiết lộ, có nhiều cây cảnh của anh Oai, trước đó chỉ là cây hoang dại cằn cỗi, gồ ghề ở bờ rào, vườn tạp của hộ dân nào đó, cần chặt đi, đốn bỏ cho sạch vườn. Nhưng dưới con mắt nhà nghề của anh Oai, sau mua về chăm sóc, uốn tỉa, tạo dáng, lại trở thành cây bonsai có giá trị thẩm mỹ và kinh tế rất cao.

Anh Oai bộc bạch, so với các “cao thủ” trong làng nghề truyền thống trồng cây cảnh ở Nam Điền (Nam Định), anh là người “sinh sau đẻ muộn”. Vì vậy để có thể cạnh tranh, tiêu thụ được các cây cảnh của nhà làm ra, anh Oai phải tận dụng mọi tiềm năng lợi thế sẵn có tại địa phương như, nằm trong thị trường tiêu dùng cây cảnh cao cấp Hà Nội, Thành phố có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất hoa, cây cảnh… Đồng thời, anh Oai còn thuê mượn nhiều lao động có tay nghề kỹ thuật cao, có khả năng thực hiện tốt các ý tưởng đặt ra từ chủ vườn.

Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tham gia các hội chợ thương mại nông sản trên toàn quốc nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của nhà vườn. Qua đó cũng đã giúp nhà vườn cây cảnh của anh sản xuất và tiêu thụ ổn định hơn, được nhiều du khách đến thăm quan và mua dùng.

cây cảnh

Anh Oai bên cây tùng la hán. Ảnh: Hải Tiến.

Đi thăm khắp trang trại cây cảnh của anh Oai cho thấy có đủ loại sanh, si, đa, lộc vừng, mộc, mẫu đơn, tường vi, tùng la hán từ 5 - 60 năm tuổi. Mỗi cây có một kiểu dáng khác nhau, nhưng cây nào cũng mang vẻ đẹp cuốn hút và một ý triết lý nhân sinh nhất định. Theo đó, để có thể chơi bền lâu được những cây cảnh từ vườn này, anh Oai khuyến cáo, cần trồng cây ở nơi thoáng, sáng; tưới nước dưỡng ẩm khi đất chậu không còn màu thâm; định kỳ 1 tháng/lần phun phòng trừ sâu và rệp bằng các thuốc có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc, kết hợp pha loãng dung dịch nước ngâm ủ đậu tương, supe lân và cá tạp tưới cây, liều lượng tùy theo cây to, nhỏ.    

Sang chậu khi thấy giá thể trồng cây cạn kiệt dinh dưỡng và bộ rễ cây đã bao kín quanh thành chậu. Thông thường khoảng 2 - 3 năm sang chậu/thay chậu 1 lần. Độ lớn của chậu căn cứ vào độ lớn của cây. Hỗn hợp giá thể trồng, gồm 70% đất ruộng hoặc bùn ao phơi ải kiệt, 20% xỉ than và 10% phân lợn khô.

cây cảnh

Cây cảnh gần 20 năm tuổi. Ảnh: Hải Tiến.

Cắt tỉa, duy trì thế cây, tỉa bỏ kịp thời các mầm ngoài ý muốn (phát sinh từ thân và cành tán); cắt giữ dáng, loại bỏ các mầm vượt mới chuyển màu bánh tẻ trên mặt và quanh các tán cây, tán cành. Đồng thời cắt bỏ các cành khô, cành sâu bệnh, cành gầy yếu. Chú ý, sau cắt, không tưới nước ngay lên thân và tán cây, có thể dùng dây thép không gỉ gò uốn lại khi thấy cây hoặc cành tán có chiều hướng phá thế.

“Trước năm 2008, khu vườn này còn là thùng vũng hoang hóa. Từ khi địa phương cho anh Oai thuê để trồng cây cảnh, không chỉ làm giàu cho chủ vườn, còn giúp giải bài toán việc làm cho 5 lao động, với mức lương bình quân 7 - 12 triệu đồng/người/tháng (tùy theo tay nghề)”, ông Tạ Minh Chức, Chủ tịch Hội Làm vườn Quốc Oai cho biết thêm.

NGUYỄN HẢI TIẾN