Nước dâng cao do những đợt triều cường kèm mưa lớn khiến cho những vườn trầu nơi đây bị ngập úng chạy dây, rũ lá xác xơ, kéo theo nỗi buồn của người trồng trầu.
Huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang là vùng chuyên canh trầu lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm trước, vào thời điểm này, người dân trồng trầu ở đây tất bật chăm sóc những vườn trầu xanh mướt, lá óng ánh vàng dưới nắng mai để kịp thu hoạch lá giao thương lái mang đi các nơi bán Tết. Tuy nhiên, năm nay không khí rộn ràng này không còn nữa. Nước dâng cao do những đợt triều cường kèm mưa lớn khiến cho những vườn trầu nơi đây bị ngập úng chạy dây, rũ lá xác xơ, kéo theo nỗi buồn của người trồng trầu do bị thiệt hại nặng.
Ông Lê Văn Út ở ấp 5, xã Vị Thủy trồng được hơn 1.000 nọc trầu, mỗi tháng hái bán cho thương lái được từ 5-7 triệu đồng. Trong đợt ngập vừa qua dù đã cố gắng gia cố bờ bao và ra sức bơm tát để cứu vườn trầu nhưng cuối cùng ông đành bất lực buông xuôi vì nước dâng quá cao.
“Nước ngập bờ bao mình làm không nổi được buông xuôi luôn, trầu chết trụi lủi, không thu hoạch được miếng nào” - ông Út nói.
Ông Lê Văn Út buồn rầu khi vườn trầu chết hết do ngập úng.
Huyện Vị Thủy có hơn 200 hộ trồng trầu với tổng diện tích gần 40 ha, tập trung nhiều ở ấp 5. Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã Vườn Trầu ở ấp 5, xã Vị Thủy cho biết, đợt triều cường kết hợp với mưa lớn vừa qua đã làm cho nhiều vườn trầu của bà con nơi đây bị thiệt hại do ngập úng.
Theo thống kê, toàn huyện có hơn 35.000 nọc trầu bị chạy dây chết. Riêng ông Đời có 2.500 nọc dù đã bỏ ra mỗi ngày gần 100.000 đồng để mua dầu bơm rút nước nhưng vẫn không cứu được trầu rũ lá do ngập nước lâu ngày.
“Năm nay sao nước lên đột ngột quá, thành ra bơm không xuể. Bơm ngày, bơm đêm luôn nhưng không được, trầu ngập là thối gốc, vụ Tết thất thu. Bây giờ mình phải lấy giống để qua năm mình trồng lại” - ông Đời nói.
Ông Trương Văn Trí- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy cho biết: Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng nên được nhiều người ưa thích. Thông thường, thương lái đến tận vườn thu mua trầu rồi chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh, thậm chí có thời điểm được thương lái mua xuất sang những nơi có tục ăn trầu như Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc)…
Trầu chết người dân nhổ cọc.
Những năm gần đây, đầu ra của lá trầu khá ổn định, ngày thường ở mức giá 3.500- 5.000 đồng/ốp gồm 40 lá, riêng thời điểm gần Tết có giá từ 12.000- 15.000 đồng/ốp. Đợt ngập vừa qua phần lớn vườn trầu bị thiệt hại từ 10-70%, có nhiều khu vườn thiệt hại hoàn toàn. Nguyên nhân là do nước dâng quá cao trong khi nhiều hộ dân chưa có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, chắc chắn nên không chủ động được trong việc bơm tát.
“Theo thống kê của địa phương thì có trên 30 ha bị thiệt hại và hiện nay sau khi nước rút thì một số diện tích bị ngâm nước lâu ngày có khả năng bị chết theo. Đối với ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với địa phương phân công lực lượng kỹ thuật xuống để mà giúp người dân chăm sóc, cố gắng giảm thiệt hại cho bà con, đồng thời rà soát số lượng thiệt hại gửi về UBND tỉnh để có chủ trương hỗ trợ cho người dân” - ông Trí cho biết.
Cũng theo ông Trương Văn Trí, thời gian tới ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương khảo sát lại, cố gắng làm sao hình thành được vùng đê bao quanh khu vực trồng trầu để chủ động bơm tát kịp thời khi có mưa lũ, đồng thời tranh thủ từ nhiều nguồn vốn để giúp bà con tiếp tục phát triển cây trầu. Bởi loại cây này cho thu nhập cao, mỗi công trầu cho người dân thu nhập mỗi năm bằng 10 công lúa. Hơn thế nữa, trầu là nét đẹp văn hóa của Vị Thủy nên địa phương đang giữ gìn và phát triển gắn với tham quan du lịch để nâng cao hiệu quả của một làng trầu truyền thống./.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL