Dù sắp đến ngày thu hoạch nhưng người trồng cam tại huyện Con Cuông (Nghệ An) đang "đau đầu" vì bị một loại bướm lạ tấn công khiến quả cam rụng hàng loạt.
Những ngày này, anh Lê Mạnh Hùng ở bản Làng Pha, xã Yên Khê (Con Cuông) đang khổ sở vì 1 ha cam của gia đình sắp đến ngày thu hoạch thì bị một loại bướm lạ tấn công, khiến vườn cam rụng quả hàng loạt, nguy cơ mất mùa ngày càng hiện hữu.
Các vườn cam tại huyện Con Cuông đang bị rụng hàng loạt do bướm lạ tấn công. Ảnh: Quang An
Anh Hùng chia sẻ: "Gia đình tôi có 400 gốc cam trồng được 5 năm rồi, năm nay mới cho thu hoạch lứa đầu thì lại bị loại bướm lạ tấn công, quả rụng hàng loạt. Mỗi tối, vợ chồng tôi đều phải vào vườn để đuổi bướm nhưng không xuể...".
Gia đình anh Nguyễn Đức Long, bản Trung Yên cũng không ngoại lệ. Anh Long cho biết, cả chục năm trồng cam nhưng chưa năm nào thấy xuất hiện loại bướm lạ này, sức tàn phá của nó rất đáng sợ, vì chỉ cần một vết chích là quả cam sẽ rụng trong vòng 1 tuần, thậm chí vài ngày.
Loại bướm lạ này chỉ tấn công cam vào ban đêm. Ảnh: Quang An
Anh Long buồn rầu: Tôi đã phải đầu tư 3 triệu đồng để kéo điện, lắp đèn thắp sáng cả đêm vì nghe nói loại bướm này sợ ánh sáng, chỉ xuất hiện vào buổi tối. Cách làm này cũng giảm thiệt hại hơn một chút, tuy nhiên với số lượng bướm nhiều như vậy thì việc xua đuổi hoàn toàn là điều không thể.
Không chỉ anh Hùng, anh Long mà hàng trăm hộ dân trồng cam trên địa bàn xã Yên Khê cũng chịu cảnh tương tự. Theo lời kể của bà con, loại bướm này từng xuất hiện cách đây vài năm nhưng mùa cam năm nay chúng bỗng dưng xuất hiện nhiều.
Đặc biệt, chúng chỉ xuất hiện từ lúc chập tối đến khuya, kéo cả đàn đến chích cam, nhất là những quả cam mọng nước, sắp đến kỳ thu hoạch. Sáng hôm sau lại hoàn toàn biến mất.
Anh Lê Mạnh Hùng ở bản Làng Pha, xã Yên Khê phải thu dọn cam rụng hàng ngày. Ảnh: Xuân Hoàng
Điều đáng nói, hiện nay bà con đều không biết đây là loại bướm gì, xuất xứ từ đâu, đặc tính như thế nào, do đó, phương pháp để đuổi trừ loại bướm này còn lúng túng, chưa hiệu quả. Theo quan sát của các chủ vườn, bướm bắt đầu xuất hiện vào thời điểm khi quả cam gần chín, có vị ngọt.
Những quả cam sau khi bị bướm chích đều có triệu chứng chung là thủng lỗ nhỏ, sau đó lan rộng ra khắp bề mặt quả, khiến cho quả bị vàng ố. Từ 7 -10 ngày sau, quả sẽ bị rụng, nếu gặp trời mưa, quả sẽ rụng nhanh hơn.
Những vết chích của bướm sẽ dần dần loang ra và khiến quả cam bị rụng. Ảnh: Xuân Hoàng
Toàn xã Yên Khê hiện có 276 ha cam, chiếm đến 75% diện tích cam toàn huyện, tập trung tại các bản: Làng Pha, Trung Yên và bản Tân Hương. Theo khảo sát, hầu hết số cam tại cả các bản đều bị loại bướm này tấn công.
Ông Lương Minh Quang - Cán bộ Nông nghiệp xã Yên Khê cho hay: Do không biết rõ về loại bướm lạ này nên phương pháp phòng chống của bà con trồng cam hiện cũng dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Một số hộ kéo điện thắp sáng để xua đuổi, một số hộ kêu gọi anh em trong gia đình dùng dây chun để bắn, số khác thì dùng miếng dán để bẫy... Những cách làm này tuy có hiệu quả nhưng chưa thể tiêu diệt triệt để.
Người dân kéo điện thắp đèn vào ban đêm để xua đuổi bướm. Ảnh: Quang An
Con Cuông hiện có có tổng 372 ha cam, trong đó có 180 ha cam trong kỳ thu hoạch, tập trung nhiều tại các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê. Năng suất cam hàng năm bình quân đạt 12 tấn/ha, tuy nhiên năm nay dự kiến sẽ giảm so với năm trước do sâu bệnh và thời tiết.
"Chúng tôi đã nắm được thông tin và đã cử cán bộ xuống lấy mẫu để gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nghiên cứu, sớm tìm ra phương án phòng trừ loại bướm nguy hiểm này hiệu quả cho bà con." Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông
Đồ họa: Quang An
Xuân Hoàng - Quang An (Báo Nghệ An)