Tại ruộng, lúa chín nửa bông được doanh nghiệp gấp rút đặt cọc. Lúa OM5451 có giá 8.400 – 8.500 đồng/kg, còn giống lúa OM18 giá 8.700 đồng/kg.
Một thương lái thu mua lúa tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.
Tại ĐBSCL, vụ lúa thu đông 2023 đang dần kết thúc. Ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang chỉ còn lác đác vài cánh đồng có lúa chín và một số ruộng có lúa trổ lẹt xẹt. Trong khi đó tại tỉnh An Giang và một vài cánh đồng ở vùng hạ, ven biển như Vĩnh Long, Trà Vinh hiện mới có lúa chín.
Theo chia sẻ từ thương lái, do nguồn cung hạn chế nên giá lúa tăng cao. Cá biệt, cánh đồng 134ha của hơn trăm hộ dân ở ấp Quang Huy, xã Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) còn khoảng 1 tuần nữa là đến ngày thu hoạch, bà con chốt được giá cao nhất.
Ông Phạm Văn Vinh, Giám đốc Hợp tác xã lúa giống Vinh Phát (ấp Quang Huy, xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, cách đây mấy ngày thương lái đến đặt cọc giá 8.900 đồng/kg đối với lúa OM18; 8.800 đồng/kg đối với giống OM5451. Riêng những trà lúa đang thu hoạch hoặc thu hoạch trước ở địa phương bà con nhận cọc sớm có giá từ 8.000 – 8.300 đồng/kg.
Bà Phạm Tím Em, thương lái thu mua lúa gạo tại ĐBSCL cho biết, giá gạo 10 (tức gạo đạt tỷ lệ tấm thấp nhất) tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 16.500 đồng/kg. Gạo 5% tấm xuất khẩu có giá 16.000 đồng/kg. Vụ thu đông nên chất lượng gạo kém hơn các vụ khác do tỷ lệ gạo đạt chuẩn thấp. Với giá lúa và giá gạo như thế, nhiều bạn hàng e dè chưa dám chốt mạnh, chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu thu mua để phục vụ các đơn hàng đã ký. “Giá này mình làm không nổi, doanh nghiệp mua được chứ bạn hàng thì không dám”, thương lái này nói.
Năm nay, bà con nông dân rất phấn khởi, đa số lúa tươi đạt năng suất đến 6 tấn/ha. Chi phí sản xuất giảm hơn so với các vụ trước, chỉ dao động từ 21 - 23 triệu đồng/ha nên lãi thu được hơn 30 triệu đồng/ha.
Minh Đảm