Giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang đặt mục tiêu đạt 2.000 ha cây dược liệu và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; hình thành vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
Theo Sở NN-PTNT Tuyên Quang, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 1.200 ha; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu trồng được 300 ha. Mở rộng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen, cà gai leo. Tỉnh cũng đã hình thành được 11 mô hình liêu kết trồng cây dược liệu và bao tiêu sản phẩm…
Cây dược liệu đang bước đầu khẳng định được giá trị kinh tế ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Mô hình liên kết trồng cà gai leo của HTX Dịch vụ - Chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa, huyện Sơn Dương là một điển hình trong phát triển hiệu quả cây dược liệu ở Tuyên Quang. Theo những hộ dân trồng cà gai leo ở xã Hợp Hòa, trung bình mỗi ha cà gai leo cho sản lượng 10 tấn sản phẩm khô/năm. Với giá bán bình quân 28 triệu đồng/tấn, mỗi ha cà gai leo cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm. Trừ hết chi phí, mỗi ha cà gai leo lãi trên 160 triệu đồng.
Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ - Chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, phát triển sản phẩm từ cây cà gai leo dược liệu đang cho thấy những bước đi đúng đắn. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ gai leo của HTX với 100% thành phần tự nhiên. Nguồn nguyên liệu chính để chế biến là 3 loại thảo dược gồm cà gai leo, xạ đen và cỏ ngọt, mang lại hương thơm đặc trưng cho sản phẩm, tạo vị ngọt dịu nhẹ dễ uống, không gây tác dụng phụ đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, béo phì.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/tuyen-quang-dat-muc-tieu-2000-ha-cay-duoc-lieu-va-lam-san-ngoai-go-d324166.html