KIÊN GIANG - Trồng cỏ năn tượng kết hợp với các biện pháp kỹ thuật đã giúp cải thiện đất nuôi tôm bị nhiễm mặn nhiều năm liền không thể trồng luân canh lại vụ lúa.
Cỗ máy sinh học làm sạch môi trường
Anh Nguyễn Văn Thật ở ấp Xeo Quao B, xã Nam Thái A, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) vừa thu hoạch xong hơn 3ha lúa luân canh trên nền đất nuôi tôm khiến không ít người ngỡ ngàng. Bởi ruộng nhà anh Thật cũng giống như nhiều hộ dân canh tác theo mô hình tôm – lúa ở đây, sau thời gian dài đưa nước mặn vào nuôi tôm đã bị nhiễm mặn khá nặng, nhiều năm liền không thể trồng lúa.
Cỏ năn tượng có khả năng chịu mặn cao, bộ rễ phát triển mạnh. Đây được xem là cỗ máy sinh học giúp cải tạo môi trường hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.
Anh Thật cho biết, gia đình có 3,3ha đất đã thực hiện chuyển đổi sang sản xuất luân canh một vụ tôm, một vụ lúa (mô hình tôm – lúa) cách đây hơn 20 năm. Do đây là vùng đất gần biển, khi lấy nước biển vào nuôi tôm, những tháng cao điểm mùa khô thường có độ mặn rất cao. Qua nhiều năm, mặn thấm vào trong đất nên dần dần không thể làm lúa được nữa. Nếu có gieo sạ lúa cũng chỉ lên được thời gian ngắn, sau đó chết rụi dần, không có thu hoạch. Vì vậy, nhiều năm liền nông dân ở đây không thể trồng lúa, dẫn đến canh tác mô hình tôm – lúa thiếu bền vững.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cải thiện đất nhiễm mặn trong mô hình canh tác tôm - lúa tại Kiên Giang” và phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện An Biên, chính quyền xã Nam Thái A cùng bà con nông dân tổ chức thực hiện. Dự án triển khai trên diện tích 25ha canh tác mô hình tôm – lúa của 14 hộ dân thuộc ấp Xẻo Quao A và Xẻo Quao B. Hộ anh Thật tham gia với diện tích 1,5ha, phần còn lại gia đình tự đầu tư thêm.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/trong-co-nan-tuong-cai-thien-dat-nhiem-man-trong-mo-hinh-tom--lua-d372092.html