Trồng 1,2ha Sachi trên đất Mường, bán cả lá và hạt, thu 80 triệu

Bà Hà Thị Hạnh, Trưởng xóm Khạng, xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) cho biết: Năm vừa rồi, cây Sachi được đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 1,2 ha, với 15 hộ tham gia. Sau 1 năm gieo trồng, tổng số tiền cây Sachi đem lại từ việc bán lá (20.000 đồng/kg), bán hạt (chưa tách vỏ 30.000 đồng/kg, đã tách vỏ 50.000 đồng/kg) đã đạt trên 80 triệu đồng...

nong duoc

Năm 2017, Công ty CP Inca Việt Nam trồng thử nghiệm mô hình Sachi ở khu Bưa Lay, thuộc xóm Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Đến nay, cây Sachi đã và đang phát triển tươi tốt, đầu ra ổn định, cây trồng này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng phát triển đầy triển vọng.

Hôm chúng tôi đến thăm, mặc dù trời mưa to nhưng bà Bùi Thị Liên, xóm Khạng vẫn cặm cụi vun xới, chăm sóc vườn Sachi của gia đình. Gia đình bà Liên là hộ trồng nhiều Sachi nhất ở xóm Khạng, với hơn 500 gốc trồng trên diện tích 3.000 m2.

nong duoc

Chị Hà Thị Hạnh, xóm Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc) tách hạt Sachi để bán cho doanh nghiệp.

Theo bà Liên chia sẻ: Trước đây, trên diện tích ruộng này, vụ nào mưa thuận, gió hòa, cây lúa, cây ngô đạt năng suất cao nhất cũng chỉ đem lại thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/năm. Thế nhưng, sau một năm đưa cây Sachi vào trồng, cây trồng này đã thể hiện những điểm vượt trội về khả năng chống hạn, chống rét.

Đến thời điểm này, cây cho thu lá liên tục, còn quả thì thu được 2 lứa, đem lại thu nhập 20 triệu đồng. Năm nay hạn hán kéo dài, ở đây mùa đông mây mù suốt ngày nhưng cây Sachi vẫn phát triển tốt. So với các cây hoa màu khác thì trồng Sachi nhàn hơn nhiều. Sau một năm trồng, gia đình mới bón phân chuồng hai lần. Cây này cũng ít bị sâu bệnh, chẳng phải phun thuốc BVTV. Với đầu ra được Công ty Inca Việt Nam bao tiêu sản phẩm, chúng tôi đặt niềm tin cây Sachi sẽ nâng cao nguồn thu nhập”.

nong duoc

Cây Sachi đang được trồng ở nhiều địa phương, trong đó đã trồng thử nghiệm thành công ở Hòa Bình. Ảnh: IT.

Quả thật, cây Sachi chịu hạn khá tốt. Mặc dù vừa trải qua mấy tháng khô hạn nhưng những vườn Sachi ở xóm Khạng phát triển khá tươi tốt. Những quả Sachi sai lúc lỉu, căng tròn chờ bà con thu hoạch. Những trận mưa vừa qua như tiếp sức để Sachi vươn mình, ra những chùm hoa sai trĩu.

Theo bà Hà Thị Hạnh, Trưởng xóm Khạng cho biết: Năm vừa rồi, cây Sachi được đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 1,2 ha, với 15 hộ tham gia. Sau một năm gieo trồng, tổng số tiền cây Sachi đem lại từ việc bán lá (20 nghìn đồng/kg), bán hạt (chưa tách vỏ 30 nghìn đồng/kg, đã tách vỏ 50 nghìn đồng/kg) đã đạt trên 80 triệu đồng. Đó là chưa kể, hiện, bà con còn tích trữ khoảng 5 - 6 tạ quả.

The bà Hạnh, mới trồng được một năm, quả bói hai lứa thôi nhưng cây Sachi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với lúa, ngô. Khi cây đạt 4 - 5 năm tuổi thì năng suất sẽ cao hơn nữa nên bà con rất phấn khởi và mong muốn mở rộng diện tích trồng. Hiện nay, xóm còn nhiều diện tích đất trồng lúa nhưng khá bấp bênh về nước tưới, cùng với đó là diện tích đất đồi cũng có thể chuyển đổi sang trồng Sachi.

 

Mặc dù cho năng suất, sản lượng khá, giá trị kinh tế cao, nhưng nông dân nhiều địa phương vẫn băn khoăn, lo lắng về đầu ra lâu dài cho cây Sachi. Ảnh: IT.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây Sachi đem lại, bà Đinh Thị Thắm cùng nhiều hộ khác ở xóm Khạng cũng mong muốn chuyển đổi sang trồng Sachi. "Trồng lúa, ngô thu nhập bấp bênh lắm, còn cây Sachi thu được quanh năm, đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu rồi. Tuy nhiên, giá cây giống khá cao (25 nghìn đồng/cây) nên chúng tôi rất mong muốn được cấp trên quan tâm, hỗ trợ để có thể chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây Sachi”, bà Thắm bày tỏ.

"Mô hình trồng Sachi ở khu Bưa Lay, xóm Khạng bước đầu đem lại những kết quả hết sức khả quan. Trong những năm gần đây, Địch Giáo đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế để tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung vào một số mô hình trồng cây lấy hạt như bí, mướp đắng, cải tạo vườn tạp trồng cây có múi. Sắp tới, xã sẽ mở rộng diện tích trồng Sachi lên 5 ha, mục tiêu sau này là 20 ha. Coi đây là một trong những hướng đi quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.

Theo Viết Đào (Báo Hòa Bình)

(APC sưu tầm)