Trời chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt đắt hàng

Thời tiết giao mùa chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt ăn quà rất được thị trường ưa chuộng. Nông dân cũng phấn khởi vì ngô đang có giá tốt.

Nhiều năm gần đây, trong khi các diện tích ngô vụ đông lấy hạt giảm mạnh về diện tích, thì ngô thực phẩm như ngô nếp, ngô ngọt, ngô rau vẫn có chỗ đứng và được nông dân tại các huyện ngoại thành Hà Nội duy trì sản xuất, cho thu nhập khá cao nhờ nhu cầu tiêu thụ ngô quà tăng mạnh. Người dân các xã Đại Đồng, Phú Kim (Thạch Thất) thường xuyên duy trì sản xuất ngô vụ đông.

Đang vào mùa cưới nên thị trường tiêu thụ ngô ngọt rất đắt hàng, nông dân có lãi tốt. Ảnh: Trung Quân

Đang vào mùa cưới nên thị trường tiêu thụ ngô ngọt rất đắt hàng, nông dân có lãi tốt. Ảnh: Trung Quân

Chị Khuất Thị Hồng (thôn 3, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) có 5 sào trồng ngô nếp phấn khởi cho biết: Giá ngô nếp vào vụ đông thường cao hơn rất nhiều so với các tháng khác trong năm do nhu cầu tiêu thụ người dân tăng cao. Hiện giá ngô nếp được thương lái thu mua tại ruộng, có giá trung bình từ 4-5 nghìn đồng/bắp (so với các tháng khác chỉ 2-3 nghìn đồng/bắp).

Chị Hồng tính toán, mỗi sào ngô nếp cho thu khoảng 1.000 bắp, với giá ngô hiện tại từ 4 - 5 nghìn/bắp, sau khi trừ đi chi phí (1 - 1,2 triệu/sào), bà con trồng ngô nếp vụ đông thu lãi từ 2 - 2,5 triệu/sào.

Một số hộ dân vừa trồng ngô vừa luộc bán ngô chín dọc các tuyến đường quốc lộ ra vào Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng) trồng 1 mẫu ngô nếp phục vụ luộc bán lẻ chia sẻ: Hiện thời tiết chuyển lạnh, nên ngô nếp ăn quà rất được ưa chuộng. Mỗi ngày, trung bình chị bán được từ 150 - 200 bắp, những ngày cuối tuần có thể nhiều hơn từ 250 - 300 bắp.

Theo chị Phượng, việc bán lẻ ngô sẽ được giá cao hơn so với bán cho thương lái. Vì thế, thay bằng việc gieo trồng đồng loạt, người dân chia diện tích gieo trồng thành các đợt cách nhau từ 10 - 12 ngày để đảm bảo lượng cung không bị dồn ứ và liên tục có ngô để bán.

Nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội trồng ngô nếp, ngô ngọt thành nhiều trà xen kẽ để liên tục có ngô bán, tránh dồn ứ nguồn cung. Nhiều hộ còn kết hợp trồng xen rau ăn lá ở giai đoạn ngô còn nhỏ. Ảnh: Trung Quân

Nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội trồng ngô nếp, ngô ngọt thành nhiều trà xen kẽ để liên tục có ngô bán, tránh dồn ứ nguồn cung. Nhiều hộ còn kết hợp trồng xen rau ăn lá ở giai đoạn ngô còn nhỏ. Ảnh: Trung Quân

Bên cạnh ngô nếp, ngô ngọt và ngô rau cũng được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Bùi Thị Phương (thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim, Thạch Thất) có 1 mẫu trồng ngô ngọt, cho biết: Hiện giá ngô ngọt tăng nhẹ so với thời điểm trước, thương lái mua tại ruộng 5.000đ/bắp.

Theo bà Phương, giống ngô ngọt thường ra nhiều bắp, ngoài thu hoạch bắp khi chín, bà con thường tận dụng để tham thời gian thêm 3 - 4 ngày để thu hoạch thêm bắp lứa 2, lứa 3 làm ngô rau, giá ngô rau khoảng 40.000đ/kg, cho thu nhập thêm 400 - 500 nghìn/sào.

Nếu thời tiết thuận lợi, ngô ngọt sinh trưởng nhanh từ 65 -70 ngày có thể cho thu hoạch (thời tiết lạnh hơn hơn từ 75 – 80 ngày), nên hiện nay bà con đã luân canh tăng vụ, trung bình mỗi năm 4 vụ.

TRUNG QUÂN