Quang cảnh hội thảo
GD&TĐ - Theo chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam, trong 10 năm tới, ngành này sẽ đứng trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản lọt vào top 10...
Đó là chia sẻ của TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội thảo quốc tế về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam diễn ra vào ngày 10/10 tại TP HCM.
Tuy nhiên, theo TS Đoàn Duy Khương, nông nghiệp 4.0 của Việt Nam còn một số hạn chế như tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của ngành nông nghiệp còn thấp nhưng có nhiều triển vọng.
Mặc dù chỉ gần 5% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận VietGap và tương đương, TS Khương vẫn tin tưởng Việt Nam còn nhiều cơ hội để xây dựng nền nông nghiệp thông minh với gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Theo chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam, trong 10 năm tới, ngành này sẽ đứng trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản lọt vào top 10”, TS Khương khẳng định.
GS.TS Võ Tòng Xuân (Trường ĐH Nam Cần Thơ) cho rằng ở nhiều địa phương của Việt Nam đã có đông đảo nông dân ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc sử dụng nhà màng, nhà kính để điều khiển khí hậu thích hợp, điển hình như mô hình nông nghiệp 4.0 ở Đà Lạt không thua gì các nước khác.
Tuy nhiên, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng nhận định: “Tại ĐBSCL, nông nghiệp 4.0 chưa được áp dụng bao nhiêu. Một trở ngại mà các nhà khoa học đang giải quyết là trong nhà màng ngày càng xuất hiện các loại côn trùng mới, chưa ngăn ngừa được”.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng việc áp dụng công nghệ 4.0 đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật nắm bắt được IoT (internet cho vạn vật) và Big Data (dữ liệu lớn), ngoài ra còn tốn rất nhiều kinh phí, loại bỏ rất nhiều lao động.
“Khi nông dân Việt Nam áp dụng chế phẩm sinh học để giảm phân bón hóa học, không làm ô nhiễm đất và nước thì công nghệ cao này có thể gọi là nông nghiệp 4.0 Việt Nam. Ngành lúa gạo của Thái Lan cũng đang hướng dẫn nông dân hạ giá thành sản xuất lúa bằng biện pháp tương tự và gọi đó là áp dụng nông nghiệp 4.0”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Theo ông Xuân, trong thời gian tới, đa số nông dân Việt Nam sẽ khó có thể đến gần “thang nông nghiệp 4.0” như các nước tiên tiến và “không nên chạy theo nông nghiệp 4.0 đúng nghĩa quốc tế”, vừa tốn kém lại vừa không áp dụng được rộng rãi.
Thế Khoa
Theo “Báo Giáo dục & Thời đại”