Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, những ngày qua, thời tiết nắng nóng, oi bức kèm theo mưa xen kẽ khiến một số loại sâu, bệnh phát triển gây hại trên cây chè.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Tổng diện tích chè bị hại trong toàn tỉnh là trên 1.200ha, tập trung ở một số địa phương như Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên...
Cụ thể, bọ cánh tơ có tỷ lệ hại trung bình 3,5-8,5%, nơi cao lên tới 10-20% búp bị hại; rầy xanh có tỷ lệ hại trung bình 1,5-8,5%, nơi cao từ 10-15%, cục bộ có nơi lên tới 20% búp bị hại.
Bọ xít muỗi có tỷ lệ hại trung bình 1-3%, nơi cao là 5-10% búp bị hại; nhện đỏ tỷ lệ hại trung bình 4-5%, nơi cao 8-12,5% lá bị hại.
Dự báo trong thời gian tới, nếu không được phòng trừ kịp thời, các loại sâu bệnh sẽ tiếp tục gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm chè.
Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã khuyến cáo bà con phát quang nương chè, dọn sạch cỏ dại, tạo độ thông thoáng và bón phân hợp lý. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra diễn biến của các loại sâu bệnh để tiến hành phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)