Trái cây Việt Nam xuất khẩu, nhìn từ chuyện quả thanh long

11/10/2018, 08:29 (GMT+7)

Ông Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á khu vực Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) thẳng thắn chia sẻ: 

Nếu Việt Nam không nhanh chóng thay đổi cung cách SX và tổ chức tiêu thụ, quả thanh long nói riêng, cũng như nhiều loại trái cây của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.  

Cần một hiệp hội hoạt động có hiệu quả

Ông Lăng Tinh Cương năm nay 58 tuổi và đã có hơn 35 năm trong nghề NK mặt hàng hoa quả từ Việt Nam. Ngoài một Cty NK hoa quả tại Bằng Tường (Quảng Tây), ông còn có 2 Cty khác tại Nam Ninh và Bắc Kinh. Riêng Cty của ông tại Bằng Tường mỗi năm NK khoảng 40 - 50 nghìn tấn thanh long từ Việt Nam và hàng trăm nghìn tấn các loại trái cây khác như vải, chôm chôm, xoài…

Ông Lăng Tinh Cương (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với PV NNVN về những vấn đề của mặt hàng trái cây Việt Nam hiện nay

Theo ông, Việt Nam có nhiều mặt hàng trái cây nhiệt đới mà Trung Quốc không thể trồng được, hoặc khó có thể cạnh tranh được về chất lượng nên nhiều mặt hàng trái cây hiện nay giữa Việt Nam thực tế là một bên cần mua và một bên cần bán. Song, vấn đề tổ chức SX của Việt Nam và kết nối giao thương giữa DN hai bên thế nào cho nhịp nhàng, suôn sẻ, cùng có lợi thì hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề. Làm việc với PV NNVN, ông mong muốn thông qua Báo NNVN có thể truyền tải những vấn đề mà ông trăn trở.

Thứ nhất, đó là Việt Nam cần phải có các hiệp hội trồng và XK về mặt hàng trái cây hoạt động hiệu quả. Hiệp hội phải quy tụ được tất cả các DN xuất khẩu trong ngành hàng trái cây để có tiếng nói chung.

Thông qua hiệp hội này, các DN phía Trung Quốc mới có thể làm việc, đàm phán, bàn bạc để đưa ra kế hoạch SX và tiêu thụ một cách có kế hoạch cho từng mặt hàng trái cây của Việt Nam.

Chỉ có hiệp hội mới có thể “đặt hàng” cho bên SX mỗi vụ cần trồng diện tích, sản lượng bao nhiêu là vừa; lịch thu hoạch ra sao; chủng loại, mẫu mã, yêu cầu kiểm soát chất lượng thế nào... để thống nhất về giá cả ngay từ đầu vụ, tránh việc “người trồng cứ trồng”, dẫn tới tình trạng ứ đọng cục bộ.

Việt Nam cần phát huy tối đa lợi thế cho thanh long vụ nghịch

Hiện nay, Trung Quốc đã nghiên cứu và có các loại phân bón đặc biệt dành cho cây ăn quả, chúng vừa là phân bón, nhưng đồng thời cũng là thuốc phòng trị bệnh. Nghiên cứu trên mía và một số cây ăn quả ở Trung Quốc cho thấy chỉ cần bón loại phân này, cây ăn quả sẽ hoàn toàn sạch bệnh, năng suất tăng từ 30 - 50%, độ ngọt tăng 2 - 3 độ. Trong khi đó tại Việt Nam, nông dân sử dụng thuốc BVTV vẫn là một bài toán rất đáng ngại cho các nhà NK trái cây của Trung Quốc.

Theo ông Lăng Tinh Cương, ở Trung Quốc hiện nay có tới trên 10 nghìn Cty hoạt động trong lĩnh vực thương mại mặt hàng hoa quả. Đại đa số các Cty này đều là thành viên của Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc. Chỉ riêng Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á khu vực Bằng Tường do ông làm chủ tịch, hiện đã có khoảng 400 Cty. Hiệp hội là nơi đàm phán với các cơ quan của Chính phủ khi có các vướng mắc liên quan tới hoạt động XNK, là đầu mối để liên kết với các DN, tổ chức SX trái cây tại nhiều nước ASEAN. Nhờ có hiệp hội, nông dân SX ra sẽ không còn bị động và phải phụ thuộc vào thương lái.  

Thay đổi tư duy làm ăn chụp giật, thiếu uy tín

Vấn đề thứ hai, đó là các DN Việt Nam, các cơ sở thu mua XK trái cây cho DN Trung Quốc cần phải thay đổi tư duy, cách làm ăn chụp giật. Đơn cử như với quả thanh long, hiện nay, để hạn chế tối đa chi phí khâu trung gian, các DN Trung Quốc đã đặt hàng DN thu mua phía Việt Nam, cung cấp bao bì, sơ chế phân loại và đóng thùng ngay tại vùng trồng để vận chuyển thẳng sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình trạng các cơ sở thu mua không thực hiện đúng theo yêu cầu về chất lượng lô hàng xảy ra không ít. Có lô quả to lẫn quả bé, quả xanh lẫn quả chín, quả lành lẫn quả hỏng, thậm chí lúc khan hàng thì thanh long chưa chín cũng cho thu hoạch... Điều này khiến uy tín của DN Việt Nam mất dần.

Bảo quản sau thu hoạch đang là vấn đề cần phải cải thiện cho trái cây Việt Nam

 

Thứ ba, Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa về kỹ thuật trong SX, bộ giống và nhất là điều chỉnh lịch thời vụ thu hoạch làm sao để có tính cạnh tranh cao nhất tại thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, quả bưởi của Việt Nam hiện nay mẫu mã, chất lượng rất tốt, nhưng chỉ có màu sắc ruột có màu trắng - vàng, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc lại thích loại bưởi có ruột màu đỏ hơn. Vì vậy, nếu Việt Nam phát triển được loại bưởi vừa đẹp mẫu mã, giữ được chất lượng, nhưng lại có ruột màu đỏ thì rất tuyệt vời.

Cải thiện kỹ thuật, tận dụng lợi thế mùa vụ

Điều chỉnh lợi thế mùa vụ cũng là vấn đề mà Việt Nam cần chú trọng. Nêu đơn cử đối với quả thanh long, hiện nay Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh về diện tích, nhưng thực tế thì thanh long Trung Quốc sẽ khó cạnh tranh được với thanh long Việt Nam bởi lợi thế khí hậu. Thanh long Trung Quốc chỉ có thể cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm với hình thức cho ra hoa tự nhiên. Từ tháng 10 trở đi, khí hậu tại Trung Quốc quá lạnh nên không thể có thanh long. 

Gần đây, nhiều nhà vườn tại Trung Quốc cũng đã thí điểm biện pháp chong đèn trong mùa đông, nhưng chi phí quá lớn nên không hiệu quả. Trong khi đó ở phía Nam Việt Nam, do khí hậu vẫn nóng ấm quanh năm nên biện pháp chong đèn cho thanh long vẫn cho năng suất chất lượng tốt. Vì thế, mùa thanh long nghịch vụ (từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau) của Việt Nam sẽ vẫn là một lợi thế trời phú, cần phải tập trung tối đa cho vụ thanh long này.

“Chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa thôi, tới cuối tháng 10, khi thanh long Trung Quốc hết vụ hoàn toàn, lúc đó giá thanh long sẽ lại tăng vọt trở lại, thậm chí có thể khan hàng. Vậy tại sao Việt Nam không tập trung tối đa”, Lăng Tinh Cương dự báo.

 

Ông Lăng Tinh Cương cũng cho rằng, Việt Nam cần phải cải thiện ngay về khâu bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây XK. Bởi hiện nay, do không có giải pháp bảo quản đúng quy cách nên tình trạng hoa quả bị dập nát khi chuyển hàng sang Trung Quốc rất phổ biến. Trong đó, dưa hấu chính là mặt hàng điển hình cho vấn đề này ở Việt Nam. “Cần phải sơ chế, xử lí, đóng thùng, dán nhãn mác truy xuất nguồn gốc cho bài bản, chứ không thể nào lại chất dưa hấu từ ruộng rồi chở lên biên giới như vậy. Bản thân các DN phía Trung Quốc cũng rất vất vả khi mua dưa của Việt Nam bởi phải phân loại, xử lí, đóng gói ngay tại cửa khẩu, trong khi chất lượng dưa hấu đã giảm đi rất nhiều”, ông phàn nàn.

 

LÊ BỀN

Theo “nongnghiep.vn”