Vụ Hè Thu 2021, nông dân Tiền Giang xuống giống 74.700 ha; trong đó có 24.700 ha trà lúa Hè Thu sớm và khoảng 50.000 ha lúa Hè Thu chính vụ. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 46.500 ha, sản lượng đạt trên 215.000 tấn lúa hàng hóa.
Thu hoạch lúa ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trong tháng 9, Tiền Giang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích lúa Hè Thu còn lại, tập trung ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh. Vụ Hè Thu năm nay, Tiền Giang sản xuất và thu hoạch trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp và trùng với mùa mưa lũ Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm nên phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, địa phương đã có nhiều giải pháp giúp nông dân thu hoạch nhanh gọn, an toàn, chắc chắn trà lúa Hè Thu trong bối cảnh phải thực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa bàn phải phong tỏa để phòng chống dịch nên việc đi lại, giao thương hàng hóa hạn chế, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Các huyện, thị trong tỉnh đều tạo điều kiện thuận lợi như cấp giấy đi đường cho nông dân, người điều khiển các phương tiện cơ giới và nhân công, thương lái qua chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 để ra đồng phục vụ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lúa hàng hóa, không để ảnh hưởng hoặc ùn ứ nông sản nhưng vẫn đảm bảo quy định chống dịch như tuân thủ thông điệp 5K, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2…
Nằm ở đầu nguồn sông Tiền, huyện Cái Bè có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những vựa lúa lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Vụ Hè Thu 2021, toàn huyện xuống giống gần 8.900 ha. Hiện trà lúa đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Dự kiến, cuối tháng 9 sẽ thu hoạch dứt điểm với năng suất bình quân ước đạt 58 đến 60 tạ/ha, sản lượng cả vụ gần 52.000 tấn lúa hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Ý cho biết, địa phương đã có những biện pháp thiết thực hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn như: chủ động thống kê phương tiện gặt đập, thu hoạch, vận chuyển và lực lượng lao động tham gia sản xuất. Lực lượng này được ưu tiên hỗ trợ test nhanh tầm soát virus SARS-CoV-2 miễn phí; được tuyên truyền thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi làm việc trên đồng cũng như thuận lợi khi qua lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch.
Chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện cho thương lái thu mua lúa Hè Thu trực tiếp tại ruộng và đưa phương tiện vận chuyển, tập kết về nơi sấy, sơ chế, xay xát, tiêu thụ. Nhờ vậy, các nút thắt trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ được tháo gỡ, không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Hiện nông dân an tâm ổn định sản xuất và đời sống.
Ông Đặng Hải Trân, Bí thư Đảng ủy xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết, xã có trên 1.800 ha lúa Hè Thu. Địa phương đã rà soát phương tiện, lực lượng lao động, thương lái. Những đối tượng này được xét nghiệm tầm soát vi rút SARS-CoV-2 miễn phí; đồng thời, khi xuống đồng phải tuân thủ 5K cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo. Xã Hậu Mỹ Trinh thống kê được 14 phương tiện gặt đập liên hợp với nhân công gần 100 người đảm bảo thu hoạch an toàn, dứt điểm trà lúa Hè Thu trước khi nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về.
Ông Lê Văn Bước, ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh chia sẻ, gia đình ông canh tác trên 1 ha giống chất lượng cao OM18, năng suất 70 tạ/ha. Trà lúa được thương lái thu mua giá bình quân 6.000 đồng/kg. Theo ông Bước, mặc dù cả tỉnh đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, vụ lúa thu hoạch an toàn nên người dân rất phấn khởi.
Huyện Cái Bè có gần 100 phương tiện gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch trong vụ Hè Thu, gần 60 thương lái trực tiếp thu mua tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân cũng như mạng lưới 35 lò sấy lúa hoạt động phục vụ sấy lúa bảo đảm phẩm chất hạt lúa hàng hóa trong vụ này.
Trong khu vực nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông của tỉnh, cùng với định hình các vùng trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, các địa phương như Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với tổ chức kinh tế hợp tác và nông dân bao tiêu nông sản hàng hóa, ổn định đầu ra, giúp người dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vinh Hiển (Gò Công Tây), Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK (thành phố Mỹ Tho), doanh nghiệp tư nhân Tân Tạo (Long An), Công ty TNHH Xuân Hương Tthành phố Hồ Chí Minh)… liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương bao tiêu trên diện tích khoảng 1.100 ha lúa Hè Thu, giá thu mua ổn định hoặc cao hơn thị trường.
Đến nay, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa Hè Thu với năng suất từ 58 tạ/ha trở lên. Những nông dân thâm canh giỏi đạt năng suất từ 65-75 tạ/ha.
Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Link bài viết gốc: https://baotintuc.vn/kinh-te/tien-giang-ho-tro-nong-dan-thu-hoach-an-toan-lua-he-thu-trong-dai-dich-20210911094204401.htm