HẬU GIANG - Dù trên đất mặn phèn, cây khóm (dứa) vẫn thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Nếu xử lý khóm cho trái nghịch mùa, nông dân bán giá cao, thu nhập rất tốt.
Vùng đất Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, Hậu Giang) xưa nay vốn nhiễm phèn, nhiễm mặn, kén cây trồng. Nông dân chủ yếu sống bằng cây khóm, cây mía và tràm. Nhưng cây mía giá cả bấp bênh, còn tràm thì trồng gần chục năm mới thu hoạch. Chỉ còn cây khóm là "cứu cánh" cho nông dân trên vùng đất khó.
Điển hình như gia đình ông Lê Thanh Nghiệp ở ấp Vị Thắng trước đây không ít lần thua lỗ vì trồng mía, nên chuyển sang cây khóm. Đến nay, với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng khóm, ông Nghiệp là người thành công với cách xử lý cho trái ra mùa nghịch, bán được giá cao.
Xử lý cho trái ra nghịch mùa, nông dân trồng khóm Hậu Giang luôn bán được giá cao. Ảnh: Hồ Thảo.
Ông Nghiệp cho biết, giống khóm gia đình chọn trồng là giống Queen, với đặc điểm cho trái to, cuống ngắn, hốc mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt thanh. Vườn khóm nhà ông Nghiệp từ lúc trồng đến 12 tháng cây bắt đầu cho trái, trung bình trọng lượng trái từ 1,5 - 2kg, cho năng suất trung bình 20 tấn/ha.
Cũng theo ông Nghiệp, lúc đầu kinh tế gia đình còn eo hẹp nên ông vay ngân hàng 60 triệu đồng về làm vốn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ai thuê gì hai vợ chồng ông Nghiệp làm đó để lấy tiền tu bổ vào ruộng khóm. Khi ruộng khóm phát triển tốt, ông Nghiệp bắt đầu canh mùa vụ.
“Theo kinh nghiệm tôi đúc kết được, vào những tháng 6, 7, 9 và tháng 11 giá khóm cao tột đỉnh nên bà con canh thu hoạch vào những tháng đó là hốt bạc”, ông Nghiệp chia sẻ.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/thu-nhap-tot-nho-xu-ly-khom-trai-vu-tren-dat-man-phen-d338567.html