Trước tình trạng nguy cấp của bệnh khảm lá khoai mì (sắn), UBND tỉnh Tây Ninh đã đề nghị Công ty CP Mía đường Tây Ninh bàn giao lại khu đất 160ha để tỉnh sản xuất giống mì sạch bệnh.
Trước đó, năm 2016, khu đất 160ha trồng cao su đã thanh lý tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu được tạm giao cho Công ty CP Mía đường Tây Ninh (gọi tắt là công ty) sử dụng để sản xuất mía giống niên vụ 2016 - 2017.
Quá thời hạn tạm giao
Đến tháng 7.2017, Công ty CP Mía đường Tây Ninh tiếp tục có công văn xin gia hạn thêm thời gian sử dụng khu đất trên. Tuy nhiên, theo Sở TNMT tỉnh, công ty chỉ được gia hạn sử dụng khu đất trên đến hết ngày 30.12.2017. Sau thời gian này, công ty có trách nhiệm tự tháo dỡ, thanh lý tài sản trên đất để giao đất cho UBND huyện Tân Châu quản lý theo quy định. Đến nay đã quá thời gian tạm giao 10 tháng.
Dịch bệnh khảm lá virus hại mì diễn biến phức tạp, lây lan tới cả 9/9 huyện, thành phố tại tỉnh Tây Ninh và hầu như không có cây giống khoai mì sạch bệnh trong tỉnh để cung cấp phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Đại diện phía công ty cho biết, do trước đó đã đầu tư trồng mía nên việc thu hồi đất tại thời điểm này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NNPTNT, hiện trên diện tích 160ha này còn khoảng 30ha mía để chế biến đường chứ không phải để làm mía giống. Vì thế, UBND tỉnh cho rằng kiến nghị này không có cơ sở để xem xét.
Ngoài ra, Công ty Mía đường cũng cho rằng, chưa có thời gian để chuẩn bị cho việc bàn giao. Trong công văn trả lời ngày 21.11, UBND tỉnh cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh không có văn bản nào chấp thuận cho công ty tiếp tục được trồng, chăm sóc mía trên khu đất này đến hết năm 2017.
Theo dự kiến, khu đất này được UBND tỉnh định hướng phát triển sản xuất cây ăn trái phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh khảm lá virus hại mì diễn biến phức tạp, lây lan cả 9/9 huyện, thành phố, hầu như không có cây giống khoai mì sạch bệnh trong tỉnh để cung cấp phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Do đó, việc triển khai xây dựng mô hình sản xuất nhân giống khoai mì sạch bệnh, trình diễn thử nghiệm sản xuất giống sạch bệnh để cung cấp cho nhu cầu người dân sản xuất và chuyển giao kỹ thuật canh tác giống sạch bệnh cho nhân dân là rất cấp bách. Yêu cầu chuyên môn cho vùng sản xuất tập trung, phòng trừ bọ phấn trắng lại đặt ra nghiêm ngặt...
Từ đó, UBND tỉnh đã thống nhất đề xuất của Sở NNPTNT được phép sử dụng đất này để tạm thực hiện mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh vụ đông xuân 2018 - 2019.
Việc tìm kiếm vùng trồng sạch bệnh khảm lá để sản xuất giống kháng là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: N.V
UBND tỉnh Tây Ninh cũng vừa đưa ra quy định mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các diện tích cây bắp, mì và rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 – 70% sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.
Chia sẻ khó khăn với cây mì
Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh rất chia sẻ tình hình khó khăn ngành mía đường hiện nay. Song, trước tình hình cấp bách và rất cần thiết của việc sản xuất giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bảo vệ vùng nguyên liệu khoai mì ở địa phương, UBND tỉnh đề nghị Công ty CP Mía đường Tây Ninh đồng hành với tỉnh trong công tác chống dịch bệnh khảm mì và chia sẻ những khó khăn nêu trên.
Đồng thời đề nghị công ty khẩn trương bàn giao khu đất 160ha để Sở NNPTNT kịp thời triển khai thực hiện sản xuất mô hình giống khoai mì sạch bệnh trong vụ đông xuân 2018 - 2019.
Dự kiến những ngày tới, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tây Ninh sẽ đi khảo sát trực tiếp tại khu đất 160ha nói trên để báo cáo thực trạng và công tác chuẩn bị tiếp theo.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, 9 tháng đầu năm 2018, diện tích trồng mì trong tỉnh khoảng 50.400ha, vượt 11,2% kế hoạch. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất giảm mạnh (khoảng 30 - 50%). Trong 9 tháng đầu năm, ước khối lượng củ mì được đưa vào chế biến khoảng gần 2,26 triệu tấn; sản xuất được 564.887 tấn bột.
Công nghiệp chế biến tinh bột mì thuộc danh mục ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu củ mì tươi cung cấp cho công nghiệp chế biến tinh bột trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 50% so với tổng công suất thiết kế. Ở khu vực biên giới, các nhà máy chế biến chủ yếu mua củ mì nguyên liệu từ Campuchia cũng chỉ đáp ứng được từ 60 - 80% công suất thiết kế.
Giá thu mua củ mì tươi hiện dao động từ 2.500 - 3.800 đồng/kg (loại 30 chữ bột). Các nhà máy đang cạnh tranh thu mua nguyên liệu trong khi giá mặt hàng tinh bột mì không tăng và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc vốn có đầu ra không ổn định, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)