Mỗi năm, sầu riêng cho ông Hùng lợi nhuận trên 4 tỷ đồng, gấp nhiều lần trồng điều. Ông Hùng cũng là người đầu tiên đứng lên thành lập HTX, tìm hướng đi mới cho trái sầu riêng ở Bình Phước.
Một góc vườn sầu riêng của ông Nguyễn Ngọc Hùng |
Tháng 12/2017, HTX Cây trái và dịch vụ Long An – Minh Hưng do ông Hùng làm giám đốc được thành lập. Đây là nơi tập trung những nông dân trồng sầu riêng lớn nhất ở xã Minh Hưng, họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cùng nhau tìm thương hiệu cho vườn sầu riêng của mình.
Năm 1996, ông Nguyễn Ngọc Hùng (75 tuổi) từ Tiền Giang lên huyện Bù Đăng lập nghiệp. Thấy vùng đất Minh Hưng trù phú, màu mỡ lại gần sông Lấp , thích hợp cho cây ăn trái nên ông Hùng đã chọn nơi này để định cư.
Ban đầu tài sản chỉ vỏn vẹn đúng 1ha rẫy, ông Hùng băn khoăn về chọn giống để canh tác. Nhưng do yêu thích hương vị thơm nồng của sầu riêng và có kinh nghiệm trồng cây ăn trái từ khi còn ở quê nên ông Hùng chọn trồng loại cây này để thử nghiệm.
Qua thời gian trồng, chăm sóc, ông Hùng nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với loài cây này nên tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất. Hiện tại ông đã có 10ha sầu riêng J6 và Thái Lan đang kỳ thu hoạch.
Đầu tháng 5/2018, giá sầu riêng có đạt từ 40 – 45 ngàn đồng/kg, là điều kiện cho những nhà vườn như ông Hùng thu lợi sau một năm vất vả chăm sóc. Mỗi ha sầu riêng từ 6 – 10 năm tuổi có thể cho 10 – 12 tấn trái/vụ. Tính giá hiện tại, mỗi ha sầu riêng cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Đặc biệt sầu riêng J6 cho trái rất sớm, cơm vàng, nên thị trường rất ưa chuộng. Đây cũng là lý do chính khiến ông Hùng chọn giống này để “đón đầu thời vụ”.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng, ông Hùng cho biết: Sầu riêng thường có bệnh nấm hồng, xì mủ thân, sâu đục thân. Muốn sầu phát triển tốt, người trồng phải siêng ra vườn, kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh và phòng trước khi trị.
Đối với bệnh nấm hồng, ông Hùng dùng thuốc Validacin để điều trị. Bệnh nứt thân, xì mủ do nấm Phytophthora gây nên, đặc biển phát triển vào lúc giao mùa. Một khi cây đã nhiễm nấm, sẽ lan nhanh trên diện rộng, rất khó cứu. Muốn cây không bệnh phải dùng thuốc đặc trị để quét phòng lên thân cây hoặc khi vết thương mới xuất hiện. Sau mỗi mùa thu hoạch, toàn vườn phải được cắt tỉa, làm vệ sinh, xử lý mầm bệnh và bón phân lấy lại sức cho cây.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, xã Minh Hưng (Bù Đăng) cột dây níu đỡ trái để không bị gió lay rụng (Ảnh: Quang Minh/baobinhphuoc.com.vn) |
Đối với hệ thống máng tưới, ông Hùng đầu tư toàn bộ giàn tưới tự động. Vì năm cạnh sông Lấp nên lượng nước trong vườn nhà ông Hùng luôn được đảm bảo cả trong mùa khô. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn sầu riêng của ông Hùng thường cho năng suất cao. Đón được lượng khách đầu mùa nên vườn sầu riêng của ông Hùng cho lợi nhuận trên 4 tỷ đồng/năm, gấp 10 lần cây điều truyền thống.
Ngoài kỹ thuật phun thuốc, tỉa cành, khử trùng, chống nấm, điều quan trọng nhất là kỹ thuật ra quả và đậu quả. Kỹ thuật này được xem là bí quyết của mỗi nhà nông trồng sầu riêng. Ra hoa, đậu quả là một chuyện, để trái sầu riêng lớn đều, đẹp, không sâu cũng rất cần kỹ thuật. Trên mỗi cây sầu riêng, ông Hùng chỉ chừa lại khoảng 70 – 80 trái. Mỗi trái trung bình nặng 3 – 5kg. “Nếu mình tham để nhiều, để dày trái sẽ không đẹp, không đều, năng suất vì vậy sẽ không cao”, ông Hùng bật mí.
Thành công với vườn sầu riêng J6, Thái Lan sum xuê nặng oằn cành, ông Hùng đã cùng với các nông dân khác thành lập HTX. Là giám đốc, ông Hùng luôn trăn trở, hy vọng tìm được hướng đi mới cho cây sầu riêng ở Minh Hưng và vùng phụ cận. Hy vọng sầu riêng Minh Hưng sẽ có chỗ đứng, mở được thị trường và nâng cao thương hiệu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng cũng là nông dân tiêu biểu của xã Minh Hưng trong phong trào người nông dân tự tìm hướng đi mới cho chính mình. Hy vọng ông và nông dân HTX Long An – Minh Hưng sẽ thành công hơn trong xây dựng thương hiệu sầu riêng của vùng đất Bù Đăng. |