Người xưa nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhưng với người trồng mai cảnh, tháng Giêng là tháng “mướt mồ hôi” chăm sóc vườn mai đợi mùa Tết năm sau.
Vừa qua Tết Nguyên đán Tân Sửu, đi về các làng mai ở TX An Nhơn (Bình Định), chúng tôi thấy không khí ở các nhà vườn rộn ràng chẳng khác những ngày giáp Tết. Nếu như trong tháng Chạp, các vườn mai tất bật với công việc lặt lá mai để hoa ra đúng dịp Tết, sang tháng Giêng, các vườn mai lại rộn ràng với những việc nhổ cọc, cắt nụ, cắt hoa, xới đất, thay chậu.
Những con đường bê tông dẫn về các làng mai vào thời điểm trước Tết dập dìu xe tải, xe ba gác máy vào ra để chở những chậu mai đi tiêu thụ, nay trên những con đường này xe cộ cũng dập dìu, nhưng là xe chở đất, chở chậu để các nhà vườn “bồi dưỡng” cho những chậu mai “tái sinh” mùa hoa mới.
Chủ nhà vườn Nguyễn Xuân Hà đang thay chậu cho1 cây mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo anh Nguyễn Xuân Phúc (49 tuổi), 1 trong hai chủ nhà vườn Xuân Hà ở phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ mai cảnh giảm mạnh so với năm ngoái. Nhà vườn Xuân Hà năm ngoái tiêu thụ được gần 250 chậu mai các loại năm nay chỉ bán được 120 cây, do đó, số mai còn tồn đọng trong nhà vườn hiện có đến 1.500 cây.
Từ mùng 6 tháng Giêng đến nay, ngoài nhân lực trong nhà, nhà vườn Xuân Hà phải thuê thêm 5 lao động để chăm sóc mai sau Tết. Qua quan sát, chúng tôi thấy những lao động nữ mỗi người dùng đôi đũa tre xới đất trong những chậu mai, hai lao động nam dùng xe rùa đẩy đất vào để hai chủ nhà vườn là anh Xuân Hà và Xuân Phúc thay chậu, thay đất cho những chậu mai, một số lao động khác cắt hoa, cắt nụ, dùng keo thoa lên thân những cây mai.
Anh Nguyễn Xuân Phúc đang thoa keo lên thân 1 cây mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Thấy chúng tôi nhìn ra vẻ lạ lẫm, anh Phúc giải thích: “Sau Tết phải cắt hết hoa, búp còn trên cây mai để tập trung sức nuôi cây chuẩn bị cho mùa hoa mới. Cứ qua mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm các nhà vườn thuê công nhổ cọc, cắt hoa và những cành phụ để cây mai dồn nhựa nuôi những cành chính phát triển tái sinh mùa hoa mới”.
Cũng theo anh Phúc, sau khi lặt hết lá mai trong tháng Chạp năm trước để mai cho hoa kịp Tết, khi ấy thân mai lộ hết ra dưới nắng khiến các cành mai bị khô. Sau Tết, các nhà vườn phải cạo hết lớp da khô trên thân cây mai, thoa keo lên để mai nhanh liền da.
Nếu không làm như vậy vết khô sẽ lan nhanh, khiến những cành mai mục ruỗng, chết dần. Ngoài ra, chủ nhà vườn còn lấy vòi nước xịt mạnh vào thân mai để tẩy rửa sạch sẽ rong rêu, nấm mốc của năm cũ để tránh cây sinh bệnh, giúp chúng phát triển.
Các lao động nữ trong nhà vườn Xuân Hà đang xới xáo đất cho những cây mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Những chậu mai 3-4 năm chưa thay đất mà chưa xuất bán được, đất trong chậu đã chai cứng, mất hết chất phải thay đất, đồng thời phải thay chậu khác lớn hơn để phù hợp với độ phát triển của cây mai.
Theo anh Phúc, cứ một vài năm mai phải được thay đất một lần để tích lũy dinh dưỡng nuôi cây. Những chậu mai chưa cần thay đất, thay chậu mới thì cũng phải được cắt tỉa cành, xới xáo đất trong chậu để vừa diệt cỏ vừa tạo độ tươi xốp cho đất để kích thích rễ mai phát triển. Đến tháng 4 tháng 5 âm lịch các nhà vườn sẽ cho mai “ăn” phân để thúc mai phát triển kịp Tết năm sau.
“Tại thời điểm bón phân cũng là lúc các nhà vườn tiến hành ghép những giống mai đang được thị trường ưa chuộng để sức tiêu thụ được mạnh hơn. Các giống mai các nhà vườn thường ghép nhất hiện nay là mai cúc và mai giảo, những giống mai có sắc hoa rất tươi và rực”, anh Phúc cho hay.
Đất phù sa trong tháng Giêng tăng từ 300.000đ/xe (3 khối) lên đến 700.000đ/xe. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Tại một nhà vườn trồng mai khác ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (TX An Nhơn, Bình Định), chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Minh, cho biết: “Việc chăm sóc cây mai sau Tết ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và quyết định cho việc ra hoa vào mùa Tết năm sau. Do đó, vào thời điểm này, các chủ nhà vườn đều đang tất bật đổ dồn về các vườn mai. Để chăm sóc vườn mai hơn 2.000 cây, tôi phải thuê thêm nhiều lao động để cùng với tôi cắt cành, tạo dáng, thay đất, thay chậu… cho kịp tiến độ, nếu làm không kịp thời, kéo dài thời gian cây mai sẽ mất sức”.
Đến mùa thay đất cho mai, các cơ sở đúc chậu cũng ăn nên làm ra. Nhiều cơ sở đúc chậu làm ra mỗi ngày 200-300 cái chậu nhưng vẫn không kịp cung ứng cho các nhà vườn. Hầu hết các cơ sở đúc chậu phải đúc trước từ trong Tết để ra giêng bán, đồng thời dự trữ trước xi măng để chủ động trong sản xuất trong thời cao điểm.
Trong nhà vườn Xuân Hà đến mùa chăm sóc mai các lao động đều tất bật. Ảnh: Vũ Đình Thung.
“Các chủ nhà vườn trồng mai đều có những “bạn hàng” lao động phổ thông, trước Tết họ về nhà vườn lặt lá mai, sau Tết làm những việc xới xáo đất mai, đưa đất vào thay đất thay chậu. Mỗi ngày một công nữ kiếm được 250.00 đồng, công nam cao hơn công nữ từ 50.000 - 100.000 đồng/công. Trong mùa thay đất cho mai đất phù sa cũng tăng giá. Nếu trong Tết, 1 xe đất 3 khối có giá 300.000 đồng, sang tháng Giêng có giá đến 700.000 đồng. Đất phù sa ven sông Kôn ngày càng hiếm, trong khi các nhà vườn trồng mai đồng loạt thay đất cho những chậu mai nên đất tăng giá”, anh Nguyễn Xuân Phúc, chia sẻ.
Vũ Đình Thung