Hiện các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, VietGAP ở tỉnh Thái Bình đang dần được mở rộng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Từ mô hình thử nghiệm với diện tích 2,3 ha đến nay diện tích sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ đạt hơn 8 ha. Ảnh: Hưng Giang
Ông Nguyễn Xuân Khoát, Phó giám đốc HTXNN Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ cho biết, người dân Quỳnh Hải có kinh nghiệm sản xuất rau từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thế nhưng trồng một cách bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu từ năm 2018 trên diện tích 2,3 ha. 34 hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ thí điểm ủ phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5- 10%.
"Sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGap là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường. Việc mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn giúp người dân Quỳnh Hải có thu nhập cao và tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng", ông Nguyễn Xuân Khoát nhấn mạnh.
Từ mô hình thử nghiệm với diện tích 2,3 ha đến nay diện tích sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Hải mở rộng hơn 8 ha.
Theo ông Khoát, khi đưa phương thức mới vào sản xuất thì có nhiều khó khăn nhưng qua tuyên truyền, bà con đã có ý thức trong việc tạo ra nông sản sạch cung cấp cho thị trường.
Tất cả các khâu trong quá trình sản xuất rau đều được các hộ gia đình tuân thủ theo đúng quy trình đã được tập huấn. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng nhà màng, mua khay nhựa và giá thể để gieo rau giống.
Thay đổi cách thức sản xuất đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, khi cây giống phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao, đạt gần 100%. Rau sau thu hoạch được chuyển về khu vực sơ chế, đóng gói trước khi chuyển đến siêu thị. Trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 2 tấn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từng khâu trong quá trình sản xuất đều phải ghi chép vào nhật ký. Ảnh: Hưng Giang
Là một trong những xã viên của HTX, ông Phạm Quang Nhương, thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải chia sẻ, trước đây làm tự do, bón bao nhiêu phân hay phun thuốc chẳng bao giờ ghi chép. Giờ sản xuất rau an toàn được phát sổ nhật ký để thuận tiện cho việc theo dõi quá trình trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tại Thái Thụy, những năm qua cũng đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ tháng 3/2018 đến nay, huyện Thái Thụy đã triển khai 5 mô hình trồng rau an toàn tại 5 xã (Thụy Dương, Thụy Hà, Thụy An, Thái Hòa, Thái An), diện tích khoảng 5ha/xã. Huyện hỗ trợ toàn bộ kinh phí chứng nhận sản phẩm rau an toàn đồng thời hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng một phần chi phí sản xuất.
Ông Lã Quý Đại, Giám đốc HTXNN xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy chia sẻ, mô hình sản xuất rau an toàn được HTX thực hiện từ năm 2018 trên diện tích 5 ha với 2 loại cây trồng là dưa gang, khoai tây. Trồng rau sạch có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Rau VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HG
Sau thời gian 2 năm thực hiện sản xuất theo chương trình VietGAP, nông dân rất là phấn khởi và tin tưởng. Năng suất cây trồng có thể ngang bằng sản xuất trồng truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Khuyên, xã Thụy An, huyện Thái Thụy hồ hởi chia sẻ, khi tham gia sản xuất rau an toàn bà được hỗ trợ tiền giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, làm phân bón vi sinh. Qua đó tiết kiệm được khoảng 30% chi phí và sản xuất thuận lợi hơn.
Từng khâu trong quá trình sản xuất từ làm đất cho đến thu hoạch bà Khuyên đều phải ghi chép vào nhật ký. Quy trình trồng rau an toàn đòi hỏi yêu cầu khắt khe song theo bà Khuyên thì cái được với người nông dân là sản phẩm đảm bảo năng suất, chất lượng.
HƯNG GIANG