Ngày 10/1, Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) do Phó Cục trưởng Lê Văn Thiệt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang để nắm thông tin về tình hình sản xuất lúa đông xuân 2018-2019 trên địa bàn.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt (đứng), đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang có kế hoạch phòng trừ dịch hại trên lúa đông xuân trong dịp tết sắp tới
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 78.124 ha lúa đông xuân, vượt gần 1.000 ha so với kế hoạch. Cơ cấu giống lúa chủ yếu như: OM 5451, Jasmine 85, RVT, Đài thơm 8, IR 50404… Hiện các trà lúa tập trung ở giai đoạn mạ đến làm đòng. Điểm phấn khởi trong vụ lúa đông xuân hiện nay là tỷ lệ nông dân áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng để giảm lượng lúa giống ngày càng nhiều, đồng thời đã có không ít doanh nghiệp đến đầu tư và bao tiêu lúa cho bà con.
Về tình hình sinh vật gây hại, tính từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh có 11.981 ha lúa bị nhiễm, như: rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, đạo ôn lá, chuột cắn phá… Trong số diện tích lúa bị sinh vật hại tấn công thì có gần 100 ha bị nhiễm nặng, 688 ha nhiễm trung bình, còn lại nhiễm nhẹ. Ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cùng nông dân chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng trị nên các đối tượng dịch hại đều trong tầm kiểm soát, lúa đang phát triển tốt. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 vào những ngày đầu năm 2019 nên toàn tỉnh có hơn 1.656 ha lúa đông xuân xuân mới gieo sạ bị thiệt hại về giống, tỷ lệ ảnh hưởng phổ biến từ 30-70% và đã được nông dân khắc phục xong...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Lê Văn Thiệt, cho biết, Hậu Giang là một trong 8 tỉnh của vùng ĐBSCL sẽ được đoàn kiểm tra về tình hình sản xuất lúa đông xuân trong đợt này. Qua kiểm tra thực tế, điều đáng mừng là bà con nông dân tại Hậu Giang xuống giống lúa đông xuân rất tuân thủ theo lịch thời vụ khuyến cáo của địa phương. Đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nên hiện các trà lúa đang phát triển tốt, ít dịch hại tấn công. Tuy nhiên, đoàn cũng lưu ý địa phương có giải pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn – lún xoắn lá tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ổ dịch từ những vụ lúa trước như: huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ.
Nông dân Hậu Giang phun thuốc phòng trừ sinh vật gây hại trên lúa đông xuân, không để bùng phát thành dịch
“Để đảm bảo vụ lúa đông xuân đạt thắng lợi trên các mặt thì ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình để kịp thời xử lý từng đối tượng dịch hại. Đặc biệt, sớm hoàn thành kế hoạch ứng phó với dịch hại trước, trong và sau tết Nguyên đán sắp tới. Vì thời gian vui xuân đón tết kéo dài, nông dân thường lơ là, ít thăm đồng ruộng nên dễ bùng phát dịch bệnh”, ông Thiệt khuyến cáo.
Đ.T.Chánh - Tuấn Phát (Báo Nông nghiệp Việt Nam)