Các tỉnh phía Nam thời gian tới mưa nhiều, dông và nắng gián đoạn, là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh hại lúa bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết hiện nay tại các tỉnh, thành phố phía phía Nam (từ Bình Phước đến Cà Mau) có khoảng 600.000 ha (hè thu 200.000 ha, thu đông - lúa mùa 400.000 ha) từ giai đoạn mạ đến đòng - trỗ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết tại các tỉnh phía Nam trong thời gian tới có mưa nhiều, dông và nắng gián đoạn, là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại lúa bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lá; đạo ôn cổ bông; thậm chí cả bệnh bạc lá (trong điều kiện có mưa lớn kết hợp gió mạnh).
Cục BVTV đề nghị các địa phương vẫn phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng chống các sâu bệnh hại lúa trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.
Hiện nay, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh thành phía Nam, lúa hè thu đang ở giai đoạn đòng - trỗ với 200.000 ha. Trong thời gian tới, nếu có mưa bão kéo dài, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ gây hại trên lúa hè thu và bệnh đạo ôn lá sẽ phát triển mạnh trên trà lúa thu đông – lúa mùa.
Để bảo vệ diện tích hè thu còn lại và lúa thu đông - lúa mùa 2021 an toàn, Cục BVTV đề nghị các tỉnh, thành phía Nam cần tăng cường công tác điều tra phát hiện, khoanh vùng lúa bị nhiễm sâu bệnh theo giai đoạn sinh trưởng để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng chống, đặc biệt là với bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông trên các diện tích còn lại của lúa hè thu, lúa thu đông – lúa mùa đang giai đoạn đẻ nhánh, đòng – trỗ.
Ngoài bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông, các địa phương vẫn phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nông dân phòng chống các sâu bệnh hại lúa khác nơi có mật độ, tỷ lệ cao để bảo vệ sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn cho xã hội nói chung, cho công tác BVTV nói riêng.
Những lưu ý về bệnh đạo ôn
Tác nhân gây bệnh:
Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia grisea Sacc., trước kia còn gọi là Pyricularia oryzae Cav. gây hại và được ghi nhận hiện diện ở hơn 80 quốc gia trồng lúa trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh ngày càng phát sinh thêm nhiều nòi mới có độc tố cao nên khó phòng trị. Theo TS Nguyễn Thị Phong Lan và nhóm tác giả thì tại ĐBSCL có trên 40 nòi nấm Pyricularia grisea gây ra bệnh đạo ôn trên cây lúa.
Dấu hiệu bệnh đạo ôn trên lá lúa. Ảnh: Cục BVTV.
Triệu chứng và tác hại:
Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa.
- Trên lá: Ban đầu vết bệnh rất nhỏ, nhưng ở giữa vết bệnh, phần tế bào lá đã bị hoại tử và khô xám, sau đó vết bệnh lớn dần và có hình thoi. Khi bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cho toàn lá bị "cháy".
- Trên cổ lá: Bệnh tấn công ngay cổ lá giữa phiến lá và bẹ, vết bệnh có màu nâu đỏ sau chuyển qua nâu sậm, bệnh nặng làm gãy lá và lá hư.
- Trên đốt thân: Vết bệnh màu nâu làm đốt teo lại, nếu bệnh xuất hiện thời điểm lúa đang trổ thì toàn bộ bông bị lép trắng nhưng lấy tay rút lên thấy khó hơn triệu chứng lép trắng do sâu đục thân.
- Trên cổ bông, cổ gié: Bệnh tấn công ngay cổ bông hoặc cổ gié, vết bệnh màu nâu thối tóp lại làm cho toàn bộ bông hoặc từng gié bị lép. Nếu bệnh xuất hiện sớm toàn bộ bông hoặc từng gié lúa bị lép trắng.
Điều kiện phát sinh phát triển
- Bệnh đạo ôn phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, giờ nắng trong ngày ít, sáng sớm có sương mù hay trời có mưa phùn, nhiệt độ thích hợp nhất trong khoảng từ 18 – 26 độ C. Bệnh đạo ôn thường gây hại nặng nhất trong vụ đông xuân, nhưng nếu ở vụ hè thu và thu đông khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển như mưa bão kéo dài, bệnh sẽ vẫn gây hại nặng.
- Các yếu tố như giống nhiễm (Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD 20, RTV, OM 4900, OM 5451…), sạ dày, bón thừa phân đạm, lá lúa nằm ngang, phiến lá rộng, ruộng thiếu nước, cỏ dại nhiều là điều kiện thuận lợi để nấm phát sinh, phát triển và gây bệnh nặng.
Chu trình phát sinh và phát triển bệnh đạo ôn trên lá lúa. Nguồn: Cục BVTV.
Đặc tính sinh học
Chu trình phát triển của bệnh đạo ôn từ lúc bào tử mới xâm nhập đến khi phát tán, lây lan mạnh.
- Đối với bào tử gây bệnh đạo ôn lúa, nếu gặp điều kiện thuận lợi thì 24 giờ sau khi tiếp xúc với cây lúa, bào tử sẽ nảy mầm và bắt đầu xâm nhập vào bên trong mô cây.
- Khoảng 48 giờ sau bệnh xuất hiện vết chấm kim. Từ 5 - 7 ngày sau khi xâm nhập, nấm đã sản sinh bào tử mới và tiếp tục lây lan. Mỗi vết bệnh hình mắt én phóng thích 2.000 - 6.000 bào tử/ngày và lây lan rất nhanh, ruộng có thể hư toàn bộ.
- Bào tử sinh ra ở các lá bên trên có thể nhiễm vào gié lúa, hạt lúa ở giai đoạn trỗ. Do đó phòng trị bệnh đạo ôn lá không tốt thì giai đoạn lúa trỗ ruộng lúa rất dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié...
- Điều kiện để bào tử phóng thích là nhờ nước hoặc giọt sương, còn phương tiện để bào tử lây lan xa là nhờ gió. Tuy nhiên, nếu nước nhiều, trời mưa lớn thì bào tử chậm phóng thích và ít lây lan
Biện pháp phòng trừ:
Để bảo vệ lúa Hè Thu ở giai đoạn đòng - trỗ: Cần phun thuốc phòng ngừa khi lúa trỗ lẹt xẹt và lúc lúa trỗ đều.
Lúa Thu Đông - Mùa:
- Làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại quanh bờ và mương tưới, tạo điều kiện cho đất có thời gian nghỉ ngơi hoặc luân canh cây trồng... để cắt nguồn bệnh.
- Chọn giống kháng: Tuy nhiên hiện nay do các giống chất lượng cao đáp ứng được xuất khẩu ít kháng hoặc chỉ kháng tạm thời nên yếu tố này tùy thuộc vào điều kiện từng vùng mà xem xét.
- Không gieo sạ quá dày để cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh (áp dụng theo lượng giống khuyến cáo của chương trình IPM, 1P5G, 3G3T). Mật độ gieo sạ tốt nhất là 80 - 100 kg/ha.
- Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm bởi khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và phiến lá sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang khiến lá rất khó quang hợp. Đây là điều kiện lý tưởng để nấm bệnh phát triển.
- Tăng cường bón phân có chứa Canxi, Silic để giúp lúa cứng cây (thành lóng dày, bẹ lúa ôm sát lóng), lá lúa dày đứng thẳng (lá lúa không nằm ngang) để hạn chế lá lúa “hứng” bào tử nấm và không cho bào tử nấm nảy mầm xâm nhập vào bên trong.
Đạo ôn là bệnh cực kỳ nguy hiểm trên lúa, cần đặc biệt giám sát đồng ruộng để sớm phòng trừ. Ảnh: TL.
- Quản lý không để trong ruộng có nhiều cỏ vì cỏ dại là ký chủ quan trọng của nấm gây bệnh đạo ôn.
- Theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa con gái đến đòng trỗ), không để ruộng lúa bị thiếu nước.
- Khi thấy bệnh chớm xuất hiện, không bón thêm phân đạm, các loại phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng và cần phun thuốc phòng trừ. Nên sử dụng thuốc chứa các hoạt chất như: Tricyclazole, Fenoxanil, Isoprothiolane… để cho hiệu quả cao. Nếu áp lực bệnh cao cần phải phun lặp lại lần 2 sau 5-7 ngày.
Chú ý: Hiện nay hầu hết các giống lúa đang canh tác trong sản xuất đều nhiễm bệnh đạo ôn, do vậy cần phun thuốc phòng ngừa khi lúa trỗ lẹt xẹt và lúc lúa trỗ đều. Khi phun thuốc để phòng trừ bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông nên áp dụng nguyên tắc "4 đúng".
LÊ BỀN