Việc quản lý chặt về chất lượng lúa giống cung ứng trên thị trường sẽ giúp nông dân hạn chế những thiệt hại do giống kém chất lượng gây ra, tạo cơ chế quản lý tốt về giống, nâng cao giá trị cây lúa, hình thành nhiều mô hình sản xuất lúa sạch, lúa chất lượng.
Nông dân chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thật vào sản xuất lúa giống
Đồng Tháp là tỉnh thực hiện hiệu quả công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 ngành hàng chính gồm cây lúa, cây xoài, hoa kiểng, con cá tra và con vịt. Lúa là cây trồng chủ lực nên việc quản lý chất lượng lúa giống đưa ra thị trường mang tính quyết định.
Hiện nay, hầu hết các huyện, thị, thành của Đồng Tháp đều có các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa giống chất cao. Đơn cử tại câu lạc bộ sản xuất lúa giống ấp 5, xã Hòa Bình (Tam Nông) mỗi năm đưa ra thị trường hơn 1.200 tấn lúa giống OM 6976, Jasmine 85, OM 4900, OM 7347…, nông dân trong câu lạc bộ sản xuất 2 - 3 vụ lúa giống/năm, thu nhập cao hơn sản xuất lúa thịt từ 10 - 20 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, câu lạc bộ sản xuất lúa giống xác nhận, nguyên chủng nên áp dụng rất nghiêm ngặt các phương thức sản xuất như sạ thưa, khử lẫn, mật độ vừa phải và đạt tỉ lệ nảy mầm cao. Sau khi sản xuất, lúa giống được bán cho các đại lý và bà con nông dân gieo sạ, độ đồng đều đồng ruộng rất khá.
Giống là yếu tố quyết định năng suất, phẩm chất hạt gạo làm ra, nên các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm, kiểm tra và tuyên truyền đến nông dân, đại lý, cửa hàng bán lúa giống các chính sách, xử lý vi phạm nếu cố tình bán giống kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Hồ Văn Lý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng chia sẻ, để làm tốt khâu quản lý giống thì ngay từ khâu sản xuất của các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... đã phải giám sát chặt chẽ. Nhân rộng mô hình dùng phân bón thông minh, cấy lúa bằng máy cấy, giảm giá thành thông qua "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" ở các huyện Tam Nông, Tân Hồng và Tháp Mười; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa sạch ở huyện Hồng Ngự…
Lão nông Bùi Minh Tâm ở xã Láng Biểng, huyện Tháp Mười hơn 4 năm ký kết hợp đồng làm giống với hơn 8hacho công ty Doseco (Đồng Tháp) chia sẻ, việc sản xuất giống nguyên chủng OM 7347 và liên kết bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 500 - 700 đồng/kg giúp nông dân tăng lợi nhuận, áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất lúa giống.
Lúa giống được quản lý chặt về chất lượng
Bên cạnh đó, ở nhiều tỉnh ĐBSCL, những giống lúa kém chất lượng lần lượt được thay bằng giống lúa xác nhận, nguyên chủng, siêu nguyên chủng có khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao, góp phần nâng tầm và xây dựng thương hiệu hạt gạo xuất khẩu.
Những giống lúa xác nhận, nguyên chủng được sử dụng nhiều như OM 4218, OM 4900, OM 6976, OM 7347, Jasmine 85, VD20, Đài Thơm 8…, cho năng suất từ 6 - 10 tấn/ha. Các mô hình sản xuất lúa giống đều nhằm mục tiêu giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, ứng dụng cơ giới vào sản xuất lúa, khép kín từ khâu gieo sạ, đến khâu thu hoạch và sau thu hoạch.
Thời gian qua, Đồng Tháp đã tạo mọi điều kiện để các trường Đại học, Viện nghiên cứu triển khai nhiều mô hình sản xuất giống lúa mới, chuẩn hóa về giống, cho ra đời những giống lúa có độ thích nghi rộng, thích ứng trên nhiều vùng đất khác nhau tại ĐBSCL.
Chí Thiện (Báo NNVN)