Theo các nhà khoa học đến từ Chương trình Đổi mới Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM IL), Hoa Kỳ, sâu vẽ bùa (tên khoa học là Tuta absoluta) là loại dịch hại đã tàn phá cà chua ở Châu Âu, Châu Phi, Địa Trung Hải và Châu Á (Bangladesh, Nepal, Thái Lan và Myanmar) từ năm 2006.
Sắp "bay" tới Việt Nam
Các chuyên gia quốc tế dự đoán, Việt Nam có khả năng là quốc gia kế tiếp ở Châu Á bị dịch hại này tấn công, kể cả Campuchia (nước làng giềng với Việt Nam). Ở Nam Mỹ, sâu vẽ bùa (Tuta absoluta) tấn công làm rụng lá, đục quả và gây hại nghiêm trọng năng suất cà chua. Thành trùng sâu vẽ bùa là loài bướm đêm có thể lan truyền từ nước này sang nước khác thông qua gió, tuy nhiên con đường lan truyền chính được xác định là do quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Triệu chứng sâu vẽ bùa gây hại trên lá cà chua
TS.Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết: “Cà chua là loại rau ăn quả rất quan trọng, đang được canh tác ở nhiều vùng trong cả nước, có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam vì điều kiện thời tiết rất phù hợp cho sâu vẽ bùa phát triển nếu nó xâm nhiễm vào Việt Nam”.
GS.Muni Muniappan, Giám đốc Chương trình đổi mới IPM IL (Trường Đại học Viginia Tech, Hoa Kỳ) cũng dự đoán, sâu vẽ bùa sẽ xâm nhập vào Việt Nam và Campuchia chỉ trong năm tới. Trong khi đó không có biện pháp nào loại bỏ dịch hại mới này, mà chỉ còn cách làm cho chúng phát triển chậm hơn.
Cà chua không phải là cây trồng duy nhất bị sâu vẽ bùa tấn công, chúng còn xâm nhiễm trên nhiều cây trồng khác như cà tím, khoai tây, tiêu, cây thuốc lá…Theo ông Kim Hian Seng, cộng tác viên của Chương trình đổi mới IPM IL ở Campuchia, nhu cầu trồng cà chua tại Campuchia và nhập khẩu cà chua từ nước ngoài đang tăng lên rất nhanh, đặc biệt nhập từ Việt Nam và Thái Lan.
Đa phần nông dân trồng rau ở Campuchia, bao gồm cả mô hình có quy mô sản xuất lớn hay nhỏ lẻ vẫn chưa chú ý nhiều đến an toàn thực phẩm. Trong khi mọi chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình… đều phụ thuộc vào sản xuất rau. Mặc dù, cà chua là cây ký chủ chính của sâu vẽ bùa, nhưng trong trường hợp không có cà chua, chúng cũng có thể gây hại cho các loại cây trồng khác thuộc họ cà, như cà tím, cũng là chủng loại rau ăn quả quan trọng ở quốc gia này.
Ông Kim Hian Seng chia sẻ: “Thiệt hại do sâu vẽ bùa Tuta absoluta gây ra có thể nhận ra dễ dàng ở điều kiện ngoài đồng ruộng. Trong trường hợp nhiễm nặng, ta quan sát toàn bộ cánh đồng sẽ có triệu chứng như bị cháy sém (tương tự như cháy nắng) khi quan sát từ xa, còn nếu đứng gần sẽ thấy bộ lá có màu đỏ tía và trên quả cà chua có nhiều lỗ đục nhỏ”.
Lời khuyên của nhà khoa học
Theo Viện CĂQ miền Nam, loài dịch hại này có bốn giai đoạn chính: Trứng thường được đẻ đơn lẻ ở mặt dưới của lá và lúc đầu có màu vàng, nhưng chuyển sang màu tối trước khi nở; thành trùng (ngài) có màu nâu bạc và hoạt động về đêm; ấu trùng thường có một dải đen phía sau đầu và đục vào lá, cuống lá, chồi non hoặc quả; nhộng thường tìm thấy trong đất hoặc trong lá khô.
Triệu chứng sâu vẽ bùa gây hại trên trái cà chua
Để kiểm soát sâu vẽ bùa, nông dân thường dùng thuốc trừ sâu, tuy nhiên dịch hại có khả năng kháng thuốc rất nhanh. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường. Do vậy, Chương trình Đổi mới IPM IL đang đề xuất chiến lược thích hợp để kiểm soát sâu vẽ bùa, trước khi dịch hại này lan truyền đến Việt Nam và Campuchia.
“Thực tế dịch hại này đã làm cho người dân điêu đứng, giá cà chua tăng gấp 20 lần so với trước đây và Nigeria phải công bố dịch khẩn cấp năm 2016. Chúng tôi không muốn có sự tàn phá như vậy xảy ra ở bất cứ nơi nào khác”, GS Muni Muniappan cảnh báo.
GS.Muni Muniappan đề xuất một số biện pháp cơ bản trong quản lý sâu vẽ bùa, bao gồm: Gieo cây con trong nhà lưới chống côn trùng để bảo vệ khỏi sự tấn công của sâu vẽ bùa. Luân canh các loại cây khác nhau không phải là cây ký chủ của sâu vẽ bùa sau mỗi vụ trồng cà chua. Loại bỏ tàn dư thực vật sau thu hoạch và cày xới kỹ đất trước khi trồng nhằm ngăn ngừa nhộng trong đất. Trồng cây bầu bí xung quanh ruộng cà chua để tăng mật số của thiên địch hay trồng rau mùi (ngò rí) gần ruộng trồng cà chua, là một nguồn thức ăn cho thiên địch của loài sâu này.
Ngoài ra, có thể đặt bẫy pheromone, bẫy đèn và bẫy dính màu vàng để theo dõi và bắt thành trùng. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học từ Neem để phun lên cây cà chua hay tưới nấm ký sinh Metarhizium vào đất để diệt nhộng, điều này có thể giúp ngăn ngừa sự gây hại của sâu vẽ bùa.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Kiểm soát chặt nhập giống cà chua
Trao đổi với NNVN, ông Thiệt cho biết: “Chúng ta không hề mong muốn bị dịch hại này tấn công, nhưng khả năng lan truyền sâu vẽ bùa cà chua đến Việt Nam là rất cao.
Loại sâu này thường lây qua con đường giống, mà hầu hết cà chua ở Lâm Đồng lại nhập giống không rõ nguồn gốc, do vậy cần kiểm soát chặt khâu nhập giống cà chua tại các cửa khẩu. Đồng thời, nông dân phải áp dụng các biện pháp tổng hợp, từ khâu giống đến tỉa lá để hạn chế tác hại và phát hiện sớm mới phòng trừ hiệu quả”.
Theo ông Thiệt, các chuyên gia quốc tế cảnh báo dịch hại này là chính xác. Trước đây, họ đã từng cảnh báo về “sâu keo mùa thu” gây hại trên cây bắp thì cũng đã xuất hiện ở Thanh Hóa và Nghệ An rồi. Thời gian qua, Chương trình Đổi mới IPM IL đã tổ chức hai Hội thảo cung cấp thông tin về sâu vẽ bùa hại cà chua tại Campuchia và sẽ triển khai những Hội thảo tương tự tại Việt Nam vào tháng 5 sắp tới.
Đây cũng là kế hoạch tích cực nhằm cảnh báo đến các địa phương và người nông dân cần nhận biết sớm để có hướng phòng tránh hoặc làm chậm sự xâm nhập của sâu vẽ bùa, cũng như biết cách để phòng trừ khi đối tượng này xuất hiện.
Ngoài ra, Chương trình Đổi mới IPM IL đã gửi bẫy pheromone đến Việt Nam, Campuchia để có thể theo dõi sự lan truyền của dịch hại.
Minh Sáng (Báo Nông nghiệp Việt Nam)