Sản xuất theo quy mô lớn trong vụ lúa Thu Đông, giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và gắn với tiêu thụ.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa
Vụ lúa Thu Đông 2020, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch xuống giống 72.000 ha, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã gieo sạ đạt 100% diện tích, lúa phát triển tốt. Để thực hiện vụ lúa đạt hiệu quả, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình, nhất là xây dựng cánh đồng lớn, liên kết với các DN cung cấp vật tư đầu vào và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Nông dân ĐBSCL tham gia cánh đồng lớn càng nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, trung tâm đã triển khai 4 chương trình dự án, như dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa, đảm bảo đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, tăng lợi nhuận, từng bước ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 380ha mô hình canh tác lúa theo quy trình canh tác lúa thông minh và 2.700 ha mô hình cánh đồng lớn. Các mô hình được thực hiện tại 9 huyện trọng điểm về sản xuất lúa.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Mục tiêu nhằm thúc đẩy chứng nhận ngành hàng nông sản áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tạo được chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó, xây dựng, giới thiệu sản phẩm, cung ứng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cho thị trường.
Cánh đồng lớn giúp nông dân liên kết với các DN cung cấp vật tư đầu vào và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện mô hình nhân lúa giống cấp xác nhận 1. Mô hình được thực hiện tại HTX Nông nghiệp Thuận Hòa (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành), diện tích 20 ha, có 25 hộ nông dân tham gia.
Trung tâm phối hợp với tổ chức Rikolto International Việt Nam thực hiện chương trình phát triển chuỗi lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại Việt Nam. Mô hình được thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hiệp, Giang Thành, Hòn Đất và An Minh, với các hoạt động hỗ trợ nông dân thực hiện sản xuất lúa bền vững SRP quy mô 520ha/172 hộ nông dân tham gia. Quá trình thực hiện đã tổ chức 4 cuộc hội thảo giới thiệu về dự án với sự tham dự của 180 đại biểu nông dân.
Mô hình cánh đồng lớn đã hình thành vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy hoạt động liên kết tiêu thụ, tăng giá trị nông sản và giảm giá thành sản xuất, phát huy được vai trò của các HTX, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa đã hình thành vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy hoạt động liên kết tiêu thụ, tăng giá trị nông sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Hiệu quả cánh đồng lớn
Tại Sóc Trăng, địa phương đã tích cực xuống giống lúa Thu Đông 2020 theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT trong điều kiện nguồn nước được dự báo thuận lợi và thị trường giá lúa gạo đang tốt. Ông Trần Vĩnh Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Sóc Trăng cho biết: Đến nay địa phương đã xuống giống được hơn 3.500 ha lúa Thu Đông. Các giống lúa nông dân tập trung gieo sạ nhiều là OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8… Trong đó, huyện Mỹ Tú đã gieo sạ vượt kế hoạch hơn 700 ha, thị xã Ngã Năm không nằm trong kế hoạch nhưng nông dân đã gieo sạ gần 800 ha. Riêng huyện Châu Thành còn khoảng 500 ha chưa xuống giống do người dân lo nước mặn từ mùa khô chưa được rửa, đẩy ra hết.
Nông dân tham gia cánh đồng lớn có điều kiện ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm chi phí. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
TP. Cần Thơ cũng đã tích cực phát triển mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với tăng cường hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn thành phố duy trì và mở rộng 119 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 32.000ha với 22.381 hộ tham gia. Ngoài ra, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ hợp đồng bao tiêu diện tích 5.291 ha của 2.500 hộ tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Công ty Nông trường sông Hậu hợp đồng bao tiêu 1.789 ha với 895 hộ.
Riêng vụ Thu Đông 2020, duy trì và mở rộng 120 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 31.942 ha, cao hơn 4.073 ha so với vụ Hè Thu 2019, với 22.392 hộ tham gia. Nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, có 40% diện tích thực hiện cách đồng lớn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg. Bên cạnh đó, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ hợp đồng bao tiêu diện tích 5.291 ha với 2.646 hộ tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Công ty Nông trường sông Hậu hợp đồng bao tiêu 1.700 ha với 850 hộ.
TP. Cần Thơ vụ Thu Đông 2020 có 120 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 31.942 ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Anh Trần Hữu Khá, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai có 1,4ha tham gia cánh đồng lớn phấn khởi cho biết: “Tham gia cánh đồng lớn sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của DN và được DN cung cấp lúa giống, phân bón và thuốc BVTV... Cuối vụ DN bao tiêu sản phẩm đầu ra nên rất yên tâm”.
Còn ông Nguyễn Văn Xuân, Phó GĐ HTX Nông nghiệp An Xuân, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ cho biết: Vụ Thu Đông năm nay HTX canh tác hơn 430ha, liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo đơn đặt hàng của DN. Nhiều năm HTX tham gia cánh đồng lớn, bà con có điều kiện ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và được DN cung cấp lúa giống và vật tư nông nghiệp đầu vào đến cuối vụ mới thanh toán.
"Vụ Đông Xuân vừa rồi sản xuất cánh đồng lớn đạt năng suất gần 1 tấn/công, vụ Hè Thu đạt khoảng 820kg/công, bán giá cao cho DN. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt. Cuối vụ DN đến tận ruộng thu mua giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg", ông Xuân nói.
"Mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh cơ giới hóa, gắn với các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo đà phát triển theo hướng bền vững. Nông dân thực hiện sản xuất theo một quy trình đồng bộ, 100% sử dụng giống xác nhận, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, áp dụng gieo sạ thưa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV và nước tưới tiết kiệm, 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy... đã giảm đáng kể chi phí, hạn chế tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo", ông Nguyễn Ngọc Hè.
LÊ HOÀNG VŨ - Đ.T.CHÁNH