LÀO CAI - Thị xã Sa Pa (Lào Cai) sẽ dành 280ha đất tại 8 địa phương để trồng 17 loại cây dược liệu quý gắn với sơ chế, chế biến.
Dược liệu có tiềm năng phát triển rất lớn tại Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng. Ảnh: Lưu Hòa.
Dược liệu là một trong 5 loại cây chủ lực được tỉnh Lào Cai lựa chọn thực hiện theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm chè, quế, dứa, chuối, dược liệu).
Thời gian qua, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã phối hợp với thị xã Sa Pa (Lào Cai) và các đơn vị nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại thị xã Sa Pa. Theo đó, Sa Pa sẽ dành 280ha đất tại 8 địa phương để trồng 17 loại cây dược liệu quý.
Trên cơ sở khảo sát, thị xã Sa Pa đã lựa chọn được 8 địa phương, khu vực phù hợp để trồng 17 loài dược liệu gồm: Actiso, bách bộ, đảng sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, chè dây, chùa dù, lá khôi, lan kim tuyến, ngải cứu rừng, bảy lá một hoa, quế, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu), tam thất hoang, tía tô, xuyên khung.
8 địa phương tại thị xã Sa Pa dự kiến sẽ được triển khai trồng bao gồm phường Hàm Rồng và các xã: Liên Minh, Tả Van, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Mường Bo, Thanh Bình, Trung Chải.
Thị xã Sa Pa cũng lựa chọn và xây dựng mô hình khu sơ chế, chế biến dược liệu đặt tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc thôn Cửa Cải, xã Ngũ Chỉ Sơn với diện tích gần 7,4ha.
Sa Pa có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cũng như khí hậu rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu, có tiềm năng mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Lưu Hòa