Rau củ của nông dân phải cắt bỏ làm phân bón vì không có thương lái thu mua, nếu không sẽ để thối trên cánh đồng vì thiếu người thu hoạch giữa Covid-19.
Jiang Junsheng, một chủ trang trại ở Hà Nam, đã nghiền nát một tấn tỏi thành phân bón. Anh vẫn còn tồn kho tới 5 tấn khoai lang, cải bắp và các loại rau củ hữu cơ khác trong trang trại. Dù cố gắng hạ giá xuống chỉ còn một nửa cho các thực phẩm sạch, hữu cơ, Jiang vẫn ế hàng bởi giao thông bị hạn chế khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái.
"Bình thường vào thời điểm này tôi thu về 40.000 nhân dân tệ (5.720 USD) chỉ trong ba tuần sau Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, tôi hầu như chẳng bán được gì", Jiang cho biết.
Nông dân Trung Quốc đeo khẩu trang thu hoạch rau giữa mùa dịch. Ảnh: China daily.
Jiang áp dụng phương pháp hữu cơ để trồng trọt và phụ thuộc vào hệ thống giao hàng để tiêu thụ ở những thành phố giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại đã khiến cho dịch vụ này bị gián đoạn.
"Trong vài tuần qua, hệ thống giao hàng mà chúng tôi sử dụng đã bị cắt đứt. Người dân thậm chí còn chẳng được đi lại giữa các ngôi làng ở ngay nơi đây", anh Jiang cho biết thêm.
Hiện một số con đường dần nối lại, các công ty giao hàng bắt đầu hoạt động nhưng vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Công ty tư vấn BRIC Agri-Info Group có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay tổng cộng hơn 3 triệu tấn nông sản trên toàn Trung Quốc, chủ yếu là rau dễ hỏng, bị kẹt lại do hệ thống vận chuyển bị đình trệ. Ngoài ra, phần còn lại cũng chịu thiệt hại nặng nề vì nông dân không dễ gì tìm được người mua hay công nhân thu hái.
Theo các nhà chức trách và chuyên gia nông nghiệp, người chăn nuôi Trung Quốc cũng đang gánh chịu hậu quả lớn nhất của đợt khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Ông Xie Chuanzao, thuộc vùng Pingyang, tỉnh Chiết Giang, lỗ nặng vì không thể bán được đàn gà. Trang trại ông hiện có hơn 20.000 con gà và "trong một tháng qua, nửa đàn đã đạt trọng lượng giết mổ nhưng vẫn phải nuôi ăn trong trang trại. Tôi hoàn toàn bất lực vì đường sá đã bị phong tỏa".
Ngay sau khi các tuyến đường được lưu thông trở lại, để bù một phần khoản lỗ, ông Xie đã phải tăng giá lên 26-30 nhân dân tệ (3,7- 4,3 USD), so với giá trước Tết là 20 nhân dân tệ (2,9 USD). Tuy nhiên việc tăng giá này không giúp ông Xie bù đủ khoản lỗ khi chi phí nhân công tăng cao vào mùa dịch.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho rằng người chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn và thiệt hại khi Covid-19 bùng phát, có thể dẫn đến phá sản. Tính riêng tại An Huy, một trong 5 tỉnh chăn nuôi gia cầm hàng đầu của Trung Quốc, thiệt hại tới 900 triệu nhân dân tệ (130 triệu USD).
Một trang trại chăn nuôi già ở An Huy còn tồn hàng nghìn con chưa thể xuất chuồng. Ảnh: NYT.
Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân Trung Quốc chỉ bằng khoảng 40% mức trung bình của thành thị và đa số còn nghèo đói khiến họ phải tìm thêm nguồn thu phi nông nghiệp. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, người dân phải ở nhà và nguồn thu cải thiện cũng bị chặt đứt.
Peng Aihua, một nhân viên của hãng môi giới việc làm ở thành phố Xiamen, tỉnh Phúc Kiến, cho biết gần đây có ba trang trại cần thuê hơn 60 người làm, nhưng đến giờ cô chỉ giúp tìm được một nửa trong số đó.
Xiangan là một trong bốn trung tâm sản xuất cà rốt chính của Trung Quốc nên thường tập trung rất nhiều lao động nhập cư. Mỗi khi đến vụ mùa, phần lớn người đến từ vùng Liangshan, tỉnh Tứ Xuyên, một trong những nơi nghèo nhất Trung Quốc, sẽ đến đây làm công nhân thu hoạch. Nhưng năm nay, người dân ở đó không còn đến nữa và 3/4 nông sản trên ruộng chưa được gặt hái.
"Người làm bị mắc kẹt ở nhà vì dịch bệnh. Có người bày cho họ nộp đơn xin di chuyển vì tình trạng đặc biệt, nhưng người dân nơi đây thậm chí không biết chữ để viết đơn", Peng nói.
Trong khi đó, một vài người địa phương sẵn sàng đến làm nhưng yêu cầu mức lương quá cao so với quy mô lợi nhuận hạn chế của ngành này. "Trong hoàn cảnh này, cả hai bên đều bất lợi. Người dân Liangshan mất đi nguồn thu nhập quan trọng trong khi các trang trại thiệt hại đáng kể khi cà rốt thối rữa trên đồng", Peng nhận định.
Giáo sư Zheng Fengtian, thuộc trường Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cảnh báo những ảnh hưởng với người lao động nhập cư vẫn còn kéo dài.
"Nhiều người trong số họ làm việc trong ngành dịch vụ ở thành thị, như tiệm tóc hay nhà hàng, nhưng hầu hết vẫn chưa thể quay lại làm việc", ông chia sẻ.
Việc phong tỏa trên diện rộng tại Trung Quốc khiến những người có thu nhập thấp rơi vào tình trạng khó khăn và nghèo đói. "Với họ, một tháng lương ở thành phố bằng cả năm làm ruộng ở quê. Do đó, người nông dân mới là đối tượng chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do sự bùng phát của dịch bệnh, và họ cần được quan tâm hơn cả", giáo sư Zheng kêu gọi.
Li Guoxiang, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định cần thêm thời gian nữa để mọi thứ quay lại bình thường bởi vụ mùa thường bắt đầu vào tháng 3. Tuy nhiên, sản lượng sẽ không được như mọi năm khi người nông dân gặp khó khăn trong việc mua phân bón và hạt giống vì thiếu vốn.
Để cải thiện tình hình, chính quyền trung ương đã ra lệnh cho chính quyền các địa phương tăng cường chuẩn bị cho vụ xuân, đảm bảo vận chuyển trơn tru các vật liệu cho nông nghiệp dù dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
"Càng có nhiều rủi ro và thách thức, chúng ta càng cần phải ổn định nông nghiệp và đảm bảo an toàn cho ngũ cốc và các loại thực phẩm phụ khác", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.
Không chỉ người trồng trọt và chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hồi cuối tháng trước, các nông dân nuôi ếch và các loại động vật bán hoang dã nước này cũng điêu đứng trước lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã khiến hàng triệu người mất việc làm.
Sơn Nam (Theo SCMP)/ngoisao