Ông Lê Đình Đoan ở thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên đang được các nhà vườn trên mạng xã hội facebook mệnh danh là 'phù thủy' ghép cây.
Chúng tôi phải rất nhiều lần liên hệ mới gặp được ông Đoan vào một ngày trời mưa tầm tã. Bởi theo ông Đoan, chỉ có những ngày mưa, không phù hợp cho việc ghép cây, ông mới được nghỉ ngơi ở nhà. Còn lại, ông phải căng mình ra khắp nơi để ghép nhân giống cây trồng cho các nhà vườn theo hợp đồng đã ký.
Ông Lê Đình Đoan trình diễn kỹ thuật ghép đoạn cành trên cây có múi. Ảnh: H. Tiến.
Ông Đoan khiêm tốn cho rằng: Có thể ai đó biết tôi đã 42 năm liên tục chỉ làm một nghề ghép cây, nên mệnh danh cho là 'phù thủy' ghép cây. Chứ thật ra tôi vẫn chưa thể làm chủ được kỹ thuật ghép giống trên cây mít. Tỷ lệ thành công của ghép nhân giống các cây ăn quả khác cũng mới chỉ đạt trên 90%, tùy thời vụ. Với lại, hiện nay cũng có nhiều người làm chủ được các kỹ thuật ghép cây không thua kém gì tôi cả.
Nghề ghép cây đã đến với ông Đoan như một cái duyên trời định nên ông gần như không chỉ có việc làm quanh năm mà còn giúp được 4-5 lao động khác tại Hưng Yên có ông ăn việc làm với công lao động đạt 500.000-600.000 đồng/ngày/người.
Hiện tại ,ông Đoan và ekip của mình có thể ghép được nhiều loại cây trồng, như: cam, bưởi, nhãn, ổi, khế, xoài, hồng xiêm, vú sữa, và hoa, cây cảnh, như tường vi, lộc vừng, mẫu đơn, hoa hồng, hoa giấy, sanh cảnh,... Hợp đồng chiết, ghép đến từ khắp các tỉnh thành miền Bắc như, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định…
Giống Phật thủ ghép trên gốc cây có múi. Ảnh: H.Tiến.
“Mới đây, có nhà vườn ở tận Cần Thơ cũng gọi điện mời tôi vào ghép cho vườn sầu riêng giống, bao ăn và trả lương 15 triệu đồng/tháng, được nghỉ hai ngày cuối tuần, nhưng tôi không thể vì quá xa nhà, vả lại ngoài này cũng làm không hết việc”, ông Đoan tiết lộ.
Kể về những ngày mới vào nghề, ông Đoan bộc bạch học “lỏm” được kỹ thuật chiết, ghép cây ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 1979. Khi đó kỹ thuật ghép sản xuất giống cây ăn quả ở nước ta còn rất lạc hậu, cơ bản chỉ ghép nhân giống trên cây táo. Bao quấn mắt ghép phải cắt từ tấm choàng nilon che mưa thải loại từ người. Sau ghép một thời gian lại thêm công gỡ bỏ nilon trên mắt giống, rất tốn công.
Do vậy năng suất và tỷ lệ sống của mắt giống sau ghép rất thấp, chỉ đạt 50-60%. Không như bây giờ, có nhiều đồ chiết, ghép chuyên dụng, nhiều tiến bộ kỹ thuật ghép cây mới, rất thuận lợi cho những người muốn khởi nghề sản xuất và kinh doanh cây giống các loại,...
Cây hoa giấy có được 5 màu là nhờ ghép thêm 4 màu từ các giống hoa giấy khác. Ảnh: H.Tiến.
Chia sẻ kinh nghiệm ghép giống trên một số cây ăn quả, ông Đoan lưu ý: Đối với cây hồng xiêm, nhiều người vẫn nghĩ thân cành chúng khá mềm dẻo, nhưng thực sự là rất dễ gãy. Vì vậy, khi ghép cải tạo trên cây hồng xiêm, bắt buộc người thợ phải có thang cho ngồi ghép, để tránh bị tai nạn gẫy cành.
Về kỹ thuật, do cành hồng xiêm có nhựa mủ rất dính, ảnh hưởng đến thao tác ghép. Để khắc phục, thợ ghép phải làm "mắt giống" trước: cắt lấy các đoạn ngọn cành dài 15-20cm, loại bỏ hết lá và cuống đính kèm, bó thành từng bó trong khăn cotton ẩm, bao thêm 1 lớp nilon để chống thoát hơi nước, sau 7-10 ngày cành giống se nhựa mới mang đi ghép.
Trên cây gốc ghép cũng phải tiến hành dọn cây trước 5-7 ngày, gồm: cắt hạ tán cây tới đoạn cành có đường kính từ 2-5cm, chỉ để lại các đầu cành ghép ở vị trí mang màu bánh tẻ. Lưu ý, hệ số nhân giống của cây hồng xiêm thấp hơn nhiều so với các cây nhãn, ổi, vì mỗi cành hồng xiêm chỉ cho lấy 1 mắt giống ở búp ngọn.
Ghép nhân giống trên cây nhãn cũng tiến hành làm "mắt giống” như hồng xiêm. Nhưng có sự khác là chọn các cành giống trên cây đầu dòng sạch bệnh. Dùng kìm (chuyên dụng) khoanh bỏ một đoạn vỏ gần gốc thân cành (như bóc vỏ chiết cành ăn quả).
Sau khoảng 10-12 ngày, các mắt nhãn ở lách lá nhô lên bằng 1/3 hạt gạo cắt hạ cành giống, rồi cắt khúc chia cành giống thành từng đoạn dài 5-10cm và có 3-4 lách lá (mắt giống). Bảo quản các đoạn cành giống trong khăn cotton ẩm, sau mang ra ghép dần trong 2-3 ngày.
Theo ông Đoan, nhờ các bí kíp kỹ thuật trên, tỷ lệ thành công của ghép giống trên cây ăn quả luôn đạt 90-95%. Ngoài ra, còn có thể ghép chuyển giống cây lộc vừng lá nhỏ, hoa ngắn, nhanh tàn thành lộc vừng lá to, hoa dài, lâu tàn.
Hay ghép đổi giống sanh cảnh lá to thành cây lá nhỏ, giúp giảm thoát hơi nước và tăng sức chống chịu. Hoặc ghép thêm nhiều màu sắc khác nhau cho cây hoa giấy… giúp tăng giá trị kinh tế cây cảnh lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Nguyễn Hải Tiến