Phát triển vùng cây dược liệu trên quê hương 'khoán hộ'

Tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cây dược liệu chinh phục vùng đất khó

Đầu những năm 2010, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Bùi Văn Sỹ, thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương.

Năm 2014, trong một lần tham quan mô hình trồng cây ba kích tím trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã nhen nhóm giấc mơ đưa giống cây này về trồng và làm giàu tại địa phương. Đến năm 2015, ông Sỹ bàn với gia đình vay tiền để mua lại hơn 9ha đất đồi trồng vải cằn cỗi, kém hiệu quả để cải tạo đất, trồng thử nghiệm 1ha cây ba kích tím. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên số lượng ba kích tím bị chết hơn 30%.

Ông Bùi Văn Sỹ giới thiệu về cây dược liệu ba kích tím tại vườn ươm của gia đình. nong duoc viet nam

Ông Bùi Văn Sỹ giới thiệu về cây dược liệu ba kích tím tại vườn ươm của gia đình. Ảnh: Anh Tuấn. 

Không nản chí, ông Sỹ tiếp tục dành thời gian nghiên cứu tài liệu, xem các chương trình truyền hình và tìm đến các hộ trồng ba kích lâu năm ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, vườn ba kích tím bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài bán cây giống với số tiền khoảng 100 triệu đồng, ông Sỹ còn bán được khoảng 500 triệu đồng tiền củ ba kích, trừ các khoản chi phí, ông Sỹ cầm chắc khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.

Xác định ba kích tím là cây làm giàu, ông Sỹ mở rộng diện tích trồng từ 1ha lên 2ha và phủ xanh các loại cây lâm nghiệp trên 6ha đất rừng còn lại. Đến nay, sau gần 10 năm trồng, anh đã tạo được thương hiệu riêng cho vườn ba kích tím và trở thành người mở lối, đưa giống cây này về làm giàu cho nhiều hộ dân ở Bắc Bình.

Từ một mô hình sản xuất ba kích tím nhỏ lẻ của ông Bùi Văn Sỹ, đến nay, toàn xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch có gần 50 hộ trồng loại cây dược liệu này với tổng diện tích khoảng 11 ha, tập trung ở các thôn Hữu Phúc, Bắc Sơn, Yên Thích…

Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/phat-trien-vung-cay-duoc-lieu-tren-que-huong-khoan-ho-d392281.html