Phát triển cây sắn bền vững ở miền Trung

Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng các giống sắn mới và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất là rất quan trọng để tăng hiệu quả kinh tế cho bà con.

Ngày 2/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn đài Khuyến nông @ Nông nghiệp với nội dung: “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung”.

Bệnh chổi rồng trên cây sắn đã gây thiệt hại cho bà con nông dân. Ảnh: L.K.

Bệnh chổi rồng trên cây sắn đã gây thiệt hại cho bà con nông dân. Ảnh: L.K.

Thống kê năm 2019, diện tích trồng sắn của cả nước khoảng gần 520 nghìn ha, đứng thứ 3 về diện tích sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã chuyển đổi từ cây lương thực sang cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học có tốc độ phát triển cao trong những năm qua.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sắn cũng như các sản phẩm từ sắn đang tăng cao, ổn định và có thị trường đầu ra tốt. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2018 đạt 2,4 triệu tấn, giá trị gần 1 tỷ USD.

Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên đang có diện tích trồng sắn gần 265 nghìn ha, chiếm 50,9% diện tích của cả nước, năng suất trung bình đạt 19,4 tấn/ha. Mặc dù năng suất sắn của vùng này đạt tương đương so với năng suất bình quân chung cả nước nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng của các giống sắn đang canh tác phổ biến như KM94, KM419, KM7…

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp DHNTB, nguyên nhân khiến cho năng suất sắn ở vùng này chưa tương xứng với tiềm năng là do bộ giống sắn phổ biến trong sản xuất chủ yếu là giống KM94 (chiếm 75% diện tích) hiện đang bị nhiễm nặng bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá do virus, rệp sáp bột hồng…

Bên cạnh đó, nguồn dinh dưỡng khoáng đa và trung lượng trong đất không đảm bảo yêu cầu cho cây sắn sinh trưởng phát triển trong suốt vụ canh tác. Lý do là vì đại bộ phận nông dân canh tác sắn đều sử dụng phương thức canh tác quảng canh, không bổ sung dinh dưỡng khoáng đa và trung lượng sau mỗi vụ thu hoạch mà chủ yếu tập trung khai thác và bóc lột dinh dưỡng có trong đất.

Việc sử dụng giống mới năng suất, chất lượng và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất sắn sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người canh tác. Ảnh: L.K.

Việc sử dụng giống mới năng suất, chất lượng và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất sắn sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người canh tác. Ảnh: L.K.

Một điểm nữa, phương thức trồng sắn trên đất dốc theo hàng thẳng, không theo đường đồng mức và không quan tâm đến biện pháp che phủ khiến đất bị rửa trôi, bạc màu, thoái hóa; Sau 3 – 4 năm khai thác đất bị bạc màu nên người dân bỏ hoang và khai hoang thửa mới. Điều này không những khiến đất canh tác nghèo kiệt mà còn khó khăn trong việc ổn định nguồn nguyên liệu và xảy ra nguy cơ phá rừng.

Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế và ổn định thu nhập cho nông dân trồng sắn, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã tập trung nghiên cứu và xây dựng các mô hình.

Theo đó, đơn vị này đã tiến hành theo các hướng: Tuyển chọn bổ sung bộ giống sắn mới có thời gian sinh trưởng phù hợp, năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh; Các giải pháp nhân giống sắn chất lượng tốt, sạch bệnh; Hạn chế xói mòn rửa trôi đất canh tác sắn ở khu vực trung du đồi núi; Bổ sung và cải thiện dinh dưỡng khoáng đa, trung lượng và các chất hữu cơ đối với canh tác sắn cả ở khu vực trung du đồi núi và đồng bằng.

Tại huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã tuyển chọn được 2 giống sắn KM140 và SM937-26, đây là những giống chín muộn, năng suất củ tươi đạt từ 40 – 47 tấn/ha, cao hơn từ 27 – 50% so với giống đối chứng (KM94), năng suất tinh bột đạt từ 11,2 – 12,6 tấn/ha, chống chịu đỗ ngã tốt, chịu hạn, nhiễm nhẹ với bệnh chổi rồng.

Trên đất gò đồi ở vùng hạn hán và nguy cơ thiếu nước thuộc tỉnh Kon Tum tuyển chọn được 2 giống KM140 và KM419 có thời gian sinh trưởng ngắn (8,5 tháng), phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Tại vùng DHNTB và Tây Nguyên tuyển chọn được giống KM7. Đây là giống có thể trồng được ở mật độ dày, chịu hạn tốt, năng suất đạt từ 32 - 42,2 tấn/ha và chưa phát hiện có triệu chứng nhiễm bệnh chổi rồng và khảm lá.

Ngoài ra, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB còn tiến hành nghiên cứu các mô hình canh tác sắn KM140 và SM 937-26 kết hợp xen đậu đen trên các địa hinh dốc ở huyện Khánh Vĩnh. Hiệu quả mô hình cho thấy năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với ruộng đối chứng trồng sắn KM94 xen ngô. Không những vậy, khi trồng xen đậu đen còn góp phần cải tạo đất, tăng độ che phủ bề mặt, chống được xói mòn…

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, tại diễn đàn hôm nay, Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB đã giới thiệu nhiều tiến bộ KHKT trong đó có việc ứng dụng các giống mới hay trồng xen sắn với lạc, đậu. Trong đó đặc biệt chú ý là giống. Hiện nay, giống mới của Viện giới thiệu có thể đạt năng suất từ 30 – 40 tấn/ha/vụ, thậm chí còn cao hơn.

“Việc áp dụng giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng của cây sắn là điều đang khuyến khích để bà con nông dân áp dụng. Mục đích để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, giúp sản xuất bền vững, người dân có thu nhập bằng chính cây sắn của mình trên mảnh đất của mình. Đặc biệt vùng trồng sắn có đồng bào dân tộc là chủ yếu cho nên phát triển kinh tế của vùng này là điều rất quan trọng mà Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo”, ông Tiêu nói.

LÊ KHÁNH