Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình cho biết, ốc bươu vàng gây hại trên lúa mới cấy với diện tích 80ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình, hiện trà lúa xuân sớm trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái; trà chính vụ đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh; trà muộn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.
Ốc bươu vàng gây hại trên lúa mới cấy, diện tích nhiễm 80ha tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 là 62ha). Bệnh nghẹt rễ diện tích nhiễm 10ha (Lương Sơn). Chuột phát sinh gây hại với diện tích nhiễm 7ha (thành phố Hòa Bình), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 là 10ha). Các đối tượng khác như tập đoàn rầy, bọ trĩ, châu chấu, dòi đục nõn... gây hại nhẹ rải rác.
Dự báo trong thời gian tới, ốc bươu vàng tiếp tục gây hại trên diện tích trà muộn mới cấy giai đoạn đẻ nhánh, tập trung chủ yếu ở các chân ruộng trũng, gần ao, hồ, kênh mương có nước chảy qua.
Ốc bươu vàng gây hại trên lúa mới cấy tại tỉnh Hòa Bình với diện tích nhiễm 80ha, tập trung ở các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu. Ảnh: Trung Quân.
Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời thiết mưa ẩm kèm theo sương mù và có khả năng gây hại cao từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, chú ý trên các giống nhiễm bệnh và vùng ổ bệnh cũ; nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời bệnh nặng có thể gây lụi từng chòm, từng ruộng.
Tập đoàn rầy (nâu, lưng trắng, nâu nhỏ) rộ trong khoảng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, hại chủ yếu trên trà sớm, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 1.000 - 2.000 con/m2, có thể gây cháy chòm hay từng vạt trên trà sớm, những chân ruộng lúa sinh trưởng kém, bị hạn.
Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn khả năng phát sinh, gây hại từ đầu tháng 4, diện phân bố và mức độ gây hại chủ yếu trên lúa lai và các giống lúa thuần như Bắc thơm số 7, TBR225, BC15... và những ruộng bón quá nhiều đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối, những giống lúa lá to bản, lá mềm.
Sâu non sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại rải rác từ nay đến đến đầu tháng 4. Bệnh đốm nâu có thể phát sinh gây hại trên các giống nhiễm ổ bệnh cũ. Dòi đục nõn tiếp tục gây hại rải rác trên lúa trà muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh. Bệnh nghẹt rễ tiếp tục gây hại trên diện tích lúa gặp rét đậm, rét hại. Chuột tiếp tục gây hại những ruộng cạn nước, ruộng gần gò đồi, ven làng, ngoài lúa còn gây hại trên các cây trồng cạn khác.
Trung Quân