Nông nghiệp công nghệ cao trên đảo Trường Sa

Việc trồng rau trên quần đảo Trường Sa nếu không có công nghệ cao thì rất khó để đảm bảo nguồn rau xanh tốt.

Lắp đặt nhà màng giúp cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa trồng rau công nghệ cao.

Do đó, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức chuyển giao nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên các đảo, giúp cải thiện bữa ăn của bộ đội ngày càng tươi ngon hơn!

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, dự án “Sản xuất phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” do IAS nghiên cứu và triển khai thực hiện từ năm 2012-2014, nhằm góp phần hỗ trợ bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, giúp bộ đội tăng cường khả năng sản xuất tự túc rau xanh và nguồn thịt gia súc, gia cầm, thủy cầm.

Năm 2019, IAS tiếp tục triển khai các dự án Khuyến nông Trung ương, xây dựng và chuyển giao một số mô hình cây trồng vật nuôi ra quần đảo Trường Sa. Cải tạo, nâng cấp các vườn rau hiện có tại các đảo nổi, chuyển giao mô hình nhà kính, nhà màng trồng rau công nghệ cao trên các đảo Đá Tây, Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông.

Cụ thể như mô hình trồng rau, cây xanh các loại, xây dựng các bể chứa nước mưa, lắp đặt hoàn thiện các thiết bị nhà lưới (nhà màng) công nghệ cao, cùng hệ thống tưới nhỏ giọt, châm phân bón để giúp bộ đội tự tăng gia sản xuất quanh năm nhất là trong mùa biển động.

Hệ thống nhà lưới, nhà màng được lắp đặt trên đảo, với kết cấu rất chắc chắn có thể chịu được gió bão cấp 11-12. 

Vừa kết thúc đợt chuyển giao các mô hình ứng dựng công nghệ cao ra quần đảo Trường Sa, anh Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT Nông nghiệp (IAS) hào hứng chia sẻ: “Do đặc thù đảo Đá Tây là đảo chìm mới được tôn tạo và bồi đắp thành đảo nổi, chủ yếu là cát san hô bị nhiễm mặn nên không có khả năng giữ nước khi mưa. Do vậy, chúng tôi phải xây bể ngầm ngay dưới nền nhà màng trồng rau để thu gom nước mưa dự trữ tưới rau và chăn nuôi”.

Theo nghiên cứu và thiết kế hệ thống nhà lưới, nhà màng được lắp đặt trên đảo, với kết cấu rất chắc chắn có thể chịu được gió bão cấp 11-12. Đồng thời, trồng hàng ngàn cây xanh các loại chịu được gió mặn như cây phong ba, bão táp, bàng vuông, phi lao, cây tra…và các loại cây ăn trái từ đất liền ra trồng tạo cảnh quan, môi trường, phủ xanh trên đảo.

Qua kết quả đánh giá, đến nay hệ thống cây xanh đang phát triển rất tốt, chịu được hạn mặn, sống tốt trong môi trường khắc nghiệt. Đồng thời, tạo được môi trường đất giúp tăng khả năng giữ nước mưa tầng ngầm. Tương lai sẽ trở thành các điểm đảo xanh, gắn với phát triển du lịch biển khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Các chủng loại rau xanh, như rau muống, cải xanh, cải ngọt, dưa leo…được trồng trong nhà lưới, nhà màng công nghệ cao đã đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu rau xanh của bộ đội. “Chúng tôi thường gọi đây là những món quà đất liền đem tặng cán bộ, chiến sĩ trên Trường Sa. Tất cả những giống cây, con đưa ra đảo đều rất cần cho đời sống bộ đội, giúp bảo đảm cho sức khỏe chiến sĩ để giữ chắc cây súng canh giữ biển đảo”, anh Chinh chia sẻ.

Theo anh Chinh, khi dự án được triển khai, chuyển giao các mô hình chăn nuôi, sản xuất và tổ chức tập huấn kỹ thuật thì bộ đội tiếp thu nhanh và ứng dụng rất sáng tạo vào điều kiện trên đảo. Đó chính là thành công của chương trình, đã giúp cán bộ, chiến sĩ tự nhân rộng được mô hình phù hợp với điều kiện khó khăn trên đảo.

Vườn rau xanh - nguồn thực phẩm tại chỗ trên đảo.

Đồng thời, sau hơn 10 năm triển khai dự án ra quần đảo Trường Sa, lực lượng cán bộ khoa học đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ quá trình vận chuyển vật tư đến triển khai lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật.

Ngoài ra, hàng năm IAS vẫn tiếp tục cung cấp các giống cây, vật nuôi ra đảo, gồm lợn, gà, lợn, chó, bò, vịt biển giống và tủ ấp trứng để giúp bộ đội gây đàn tăng gia, sản xuất.

Chất lượng con giống trong dự án đã được chọn lọc kỹ, thích nghi tốt với điều kiện sống trên đảo. Đây cũng là nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, giúp cải thiện bữa ăn tươi sống cho bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa (vì 80% thực phẩm hiện nay trên đảo là đồ hộp).

Trao đổi với Báo NNVN, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) cho biết: “Với diện tích chật hẹp, thời tiết khắc nghiệt, các chiến sĩ trồng được các loại rau quả là rất tuyệt vời.

Thậm chí, dù các anh không đủ chỗ sinh hoạt nhưng vẫn có thể chăn nuôi heo, gà, vịt…giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày thì chúng tôi rất cảm phục!”.

Theo ông Hiệp, AHTP cũng sẽ nghiên cứu thay đổi thiết kế nhà màng, nhà lưới để tăng sức chịu đựng thời tiết khắc nghiệt trên đảo.

Đối với việc thiếu đất trồng, có thể sử dụng những viên nén tổng hợp (trong đó có đất, phân bón) với đầy đủ chất dinh dưỡng, trọng lượng siêu nhẹ, chỉ cần hòa tan với nước sẽ nở ra rất nhiều và trồng cây được ngay.

“Theo kế hoạch năm 2020 -2021, dự án sẽ tiếp tục triển khai và phủ xanh trên các điểm đảo, gồm Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông và Đá Tây. Ngoài ra còn xây dựng khoảng 10 nhà màng và cung cấp cho cán bộ chiến sĩ trên đảo 6.000 con vịt biển, nhằm giúp bộ đội tự chăn nuôi, tăng gia sản xuất đảm bảo tự cung cấp thêm một phần nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ trong bữa ăn hàng ngày”, anh Ngô Xuân Chinh cho biết.

MINH SÁNG