Hiện nay, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang đang tranh thủ thu hoạch nhanh gọn lúa Đông Xuân, đồng thời tổ chức gieo sạ luôn vụ Xuân Hè.
Nhờ vậy, đến cuối tháng 3/2021, toàn vùng đã xuống giống được 22.800 ha vụ Xuân Hè, đạt gần 73% chỉ tiêu được giao. Diện tích còn lại tiếp tục khẩn trương xuống giống và dự kiến dứt điểm trong những ngày đầu tháng 4/2021 tới.
Ngoài ra, bà con còn gieo trồng thêm 2.222 ha rau màu lương thực, 27.500 ha rau màu thực phẩm.
Trong vụ Xuân Hè 2021, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch gieo sạ 26.300 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện, thị nằm phía thượng lưu sông Tiền của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy. Các địa phương phấn đấu thâm canh, chăm sóc để đạt sản lượng khoảng 160.000 tấn lúa hàng hóa cung ứng thị trường.
Nông dân làm đất bằng cơ giới tại thị trấn Tân Hòa (Gò Công Đông).
Nhằm giúp các huyện, thị tổ chức sản xuất vụ Xuân Hè thành công, nông dân bội thu vừa trúng mùa vừa trúng giá, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang triển khai có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sản xuất; trong đó, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp về thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn hán kết hợp với chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm chủ động giảm chi phí, giảm thất thoát và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương triển khai khẩn trương kế hoạch sản xuất vụ Xuân Hè trên địa bàn, xây dựng lịch thời vụ hợp lý cũng như thực hiện tốt điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và thông báo một cách rộng rãi để nông dân kịp thời phòng trị, không để thiệt hại cho trà lúa Xuân Hè.
Ngay từ đầu vụ sản xuất, tỉnh tăng cường tập huấn, hội thảo, hướng dẫn nông dân những yêu cầu cần thiết trong tổ chức sản xuất thắng lợi, khuyến cáo sử dụng bộ giống lúa chất lượng cao, lúa thơm có giá trị xuất khẩu trong quá trình sản xuất; chú trọng áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm và 3 giảm 3 tăng thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí vừa nâng cao hiệu quả canh tác lúa.
Đặc biệt, áp dụng cơ giới hóa toàn bộ các khâu canh tác, từ làm đất, gieo sạ đến thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Ngay từ khâu gieo sạ, nông dân được hướng dẫn phải quan tâm sạ thưa, chỉ dùng từ 80 kg đến 100 kg giống/ha đất canh tác trở lại, sử dụng giống lúa xác nhận, bón phân cân đối và hợp lý tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.
Trong vụ Xuân Hè 2021, tỉnh khuyến khích các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức nông dân trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời, đảm bảo đạt được 3 yêu cầu: đảm bảo diện tích theo kế hoạch, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm hợp đồng và tăng số doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân.
Ngoài ra, trong nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, Tiền Giang quan tâm vận động các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo mô hình chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ khép kín cũng như tiếp tục đầu tư, tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, nông dân Tiền Giang đã gieo sạ trên 51.000 ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch ăn chắc toàn bộ diện tích với sản lượng trên 365.000 tấn lúa. Vụ này, nông dân vừa trúng mùa, vừa trúng giá nên mỗi ha đạt lợi nhuận từ 30 triệu đồng đến 32 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay, ai cũng phấn khởi.
Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)