Tỉnh Hưng Yên hiện có diện tích nhãn khoảng 4.470ha, các giống nhãn chủ yếu là: nhãn Hương Chi, Miền Thiết, T1, T2, T6, siêu ngọt, đường phèn... Thời điểm này, hầu hết người trồng nhãn trong tỉnh đã hoàn thành thu hoạch và bước vào giai đoạn chăm sóc để cây mau chóng “phục hồi”. Để tránh tình trạng “Năm ăn quả, năm trả cành” thì đây là thời điểm quan trọng, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm và nắm vững khoa học kỹ thuật để chăm sóc cho cây.
Anh Nguyễn Công Hoan ở xã Vĩnh Xá (Kim Động) cắt tỉa cành cho nhãn
Sau thu hoạch, cây nhãn thường có những cành cao, cành vượt, đặc biệt là những cành không còn có khả năng cho ra quả vụ sau. Lúc này, anh Nguyễn Công Hoan ở xã Vĩnh Xá (Kim Động) tiến hành ngay biện pháp cắt tỉa, tạo tán cho cây thông thoáng để cây hấp thu và quang hợp ánh sáng được tốt nhất.
Anh Hoan cho biết: “Gia đình tôi có tổng số 2ha trồng nhãn, tôi đã kết thúc thu hoạch vụ nhãn năm nay. Muốn cây nhãn cho năng suất quả cao vào năm sau thì công việc cắt tỉa cành sau khi thu hoạch là khâu rất quan trọng và phải tiến hành càng sớm càng tốt. Với diện tích nhãn lớn nên tôi phải thuê thêm lao động để tập trung cắt, tỉa đồng loạt, kịp thời, hoàn thành muộn nhất là sau khi thu hoạch 10 ngày. Việc tỉa cành, tạo tán làm cho cây thông thoáng, tán rụt lại không để vươn quá cao để phân hóa mầm nhanh, đồng thời còn có tác dụng làm giảm sự gây hại của sâu bệnh cho cây nhãn. Đối với những cây nhãn năm nay không cho quả thì chỉ cần cắt, tỉa cành, không cần bổ sung thêm phân bón”.
Với trên 20 năm kinh nghiệm và biết cách áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh nhãn, anh Trần Văn Mý ở thôn Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) đã “làm chủ” được việc ra hoa đậu quả của cây nhãn. Chính vì vậy, năm nào diện tích nhãn của gia đình anh cũng cho sản lượng khá. Năm 2017, anh Mý cùng 16 nông dân trong xã đã thành lập Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng và thực hiện chăm sóc nhãn theo quy trình VietGap.
Anh Trần Văn Mý ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) chăm sóc cho nhãn sau thu hoạch
Những ngày này, anh Mý dành phần lớn thời gian ở ngoài vườn để chăm sóc nhãn sau thu hoạch. Với khoảng 1ha trồng nhãn theo quy trình VietGap, các khâu, các bước trong quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ. Sau một vụ nuôi quả, cây gần như kiệt quệ nên sau khi thu hoạch, cần nhanh chóng giúp cây phục hồi bằng cách bón phân sau khi tỉa cành tạo tán. Mặt khác, cũng như cành lá, sau một thời gian bộ rễ của cây cũng bị già đi và cần có những tác động để kích thích bộ rễ phát triển mới.
Nói về sự khác biệt giữa chăm sóc nhãn theo quy trình VietGap và chăm sóc nhãn truyền thống, anh Mý cho biết: “Trong quá trình chăm sóc cây nhãn, bất kể thời điểm nào thì việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được áp dụng nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp). Chỉ sử dụng những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Cùng với đó, người trồng phải ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc cây vào sổ nhật ký”.
Anh Nguyễn Quang Khánh, Phó Trưởng Phòng chuyển giao kỹ thuật Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên) cho biết: Sau khi thu hoạch nhãn xong thì đây là thời kỳ cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm, giai đoạn này cây yếu nhất để cây sinh trưởng phát triển tốt tạo tiền đề cho năm sau chúng tôi khuyến cáo người trồng nên áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Một là cắt tỉa tạo tán: cắt bỏ toàn bộ những cành ở nơi mọc um tùm, cành sâu bệnh, cành trong thân nhằm mục đích tạo cho cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi những cành thu, hạn chế sâu bệnh.
Hai là vệ sinh vườn: thu gom cành lá tiêu hủy tiêu diệt những mầm bệnh năm trước gây hại cho cây; khơi thông các rãnh thoát nước.
Ba là bón phân, tưới nước cho cây: tùy thuộc vào độ tuổi, thực tế sinh trưởng, phát triển của cây cũng như sản lượng quả thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón cho cây thích hợp.
Hương Giang (Báo Hưng Yên)