Nông dân ĐBSCL trúng mùa, được giá lúa đông xuân sớm

Sau tết, lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ, nhiều thương lái đã đặt tiền cọc thỏa thuận mua lúa của nông dân rất sớm với giá cao.

Nông dân phấn khởi vì bán lúa giá cao

Chưa có vụ lúa đông xuân nào ở ĐBSCL vui như năm nay vì lúa trúng mùa mà bán giá cao vút “trên mây”. Chính vì vậy, vừa ra tết là nông dân bắt tay vào chăm sóc đồng lúa thật kỹ lưỡng.

Riêng số người xuống giống đông xuân sớm, đã thu hoạch trước tết hoặc ra tết khoảng mùng 4-5 đã ra đồng cho máy gặt đến thu hoạch bán cho thương lái.

Hiện nay lúa đông xuân sớm nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay lúa đông xuân sớm nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện giá lúa tươi hạt dài như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 được thương lái mua tại ruộng giá từ 6.600 - 7.000 đồng/kg, lúa thường IR50404 giá 6.400 - 6.500 đồng/kg.

Là vụ đầu tiên bán lúa đông xuân được giá lên 6.500 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng ông Lê Văn Hậu ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) vẫn khá tiếc nuối vì cùng loại giống OM18 này nhưng hiện nay thương lái mua với giá 6.600 - 6.700 đồng/kg, tính ra mỗi ký lúa ông mất 200 đồng. "Vụ đông xuân năm ngoái lúa chưa tới 5.000 đồng/kg, năm nay thấy lên trên 6.000 đồng là mừng rồi, thêm nữa xung quanh ai cũng lấy cọc lái này nên tôi bán theo, không ngờ lúa càng ngày càng lên, tôi cũng thấy tiếc," ông Hậu tiếc nuối.

Còn ông Trần Văn Na, ở cùng xã với ông Hậu vui mừng vì trước tết đã thu hoạch 2,5ha trồng giống lúa OM18 với năng suất 1,2 tấn/công (công tầm lớn 1.300m2) bán cho thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.700 đồng/kg, ông Na phấn khởi cho biết: Năm nay nông dân trồng lúa thấy mà ham, thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên chi phí bỏ ra khá thấp. Cuối vụ lúa trúng mùa mà bán được giá cao với mức giá này sau khi trừ hết chi phí nông dân lãi từ 3,8 – 4,2 triệu đồng/công.

Theo ông Na, đây là mức giá lúa cao nhất từ trước đến nay mà nông dân bán được lúa vô cùng phấn khởi. Nông dân chúng tôi rất kỳ vọng giá lúa duy trì ở mức này lâu dài hơn chắc chắn sẽ giúp nông dân mau khá lên từ cây lúa.

Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp, cho biết, vụ đông xuân năm 2020-2021 toàn tỉnh xuống giống hơn 200.000ha. Đến nay đã có khoảng trên dưới 30.000a lúa xuống giống sớm đã bắt đầu thu hoạch, tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò... với năng suất bình quân 67,8 tạ/ha.

Còn tại TP. Cần Thơ, sau tết vài ngày không khí thu hoạch lúa đông xuân sớm cũng vào đợt cao điểm, tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng nông dân rất ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là trong khâu thu hoạch lúa và buôn bán lúa.

Vụ lúa đông xuân 2020-2021, TP. Cần Thơ xuống giống với tổng diện tích trên 77,000ha, đạt 101% kế hoạch năm. Hiện lúa đông xuân 2020-2021 đang chuẩn bị chín được thu hoạch. Trong đó, quận Thốt Nốt đã có gần 100ha lúa đông xuân sớm 2020-2021 được thu hoạch, với năng suất trên 68,5 tạ/ha. Các quận, huyện khác sẽ bắt đầu thu hoạch vào giữa và cuối tháng Giêng năm Tân Sửu 2021.

Đặc biệt vụ lúa đông xuân năm nay, đa số nông dân đã nhận tiền cọc, thỏa thuận bán lúa tươi vụ đông xuân 2020-2021 ngay tại ruộng vào thời điểm thu hoạch đối với lúa giống IR 50404. Các giống OM 5451, OM 18, Cửu Long 666, Jasmine 85, Ðài Thơm 8, Nàng Hoa 9... có giá từ 6.500-6.700 đồng/kg. Riêng những nông dân đã nhận tiền cọc bán lúa sớm ngay khi vừa gieo sạ lúa một vài tuần có giá thấp hơn những tuần gần đây. Dù vậy, nhìn chung giá thỏa thuận bán lúa vẫn cao hơn ít nhất từ 800 - 1.000 đồng/kg trở lên so với vụ đông xuân 2019-2020.

Hiện giá lúa tươi hạt dài như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 được thương lái mua tại ruộng giá từ 6.600 - 7.000 đồng/kg, lúa thường IR50404 giá 6.400 - 6.500 đồng/kg.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện giá lúa tươi hạt dài như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 được thương lái mua tại ruộng giá từ 6.600 - 7.000 đồng/kg, lúa thường IR50404 giá 6.400 - 6.500 đồng/kg.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Cao Văn Hoàng, ở xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, nói: "Giá lúa liên tục duy trì ở mức cao trong năm 2020 và bước vào vụ đông xuân 2020-2021 giá tiếp tục có chiều hướng nhích lên nên nông dân rất phấn khởi. Với 1,5ha lúa sạ giống Jasmine 85 của gia đình tôi trong vụ đông xuân này đã trổ và dự kiến qua Tết vài ngày sẽ thu hoạch. Nhưng hiện đã có thương lái đặt tiền cọc để mua lúa tươi với giá 6.800 đồng/kg. Mức giá này cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân 2019-2020. Vụ này, tôi tin tưởng mình có thể kiếm được lợi nhuận từ 3,5 - 4 triệu đồng/công."

Không riêng anh Phong và nhiều nông dân khác chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân rất mong giá lúa tiếp tục duy trì ổn định đến thời điểm thu hoạch để việc thu hoạch và tiêu thụ lúa được thuận lợi, không xảy ra tình trạng "bẻ kèo" giữa nông dân và thương lái.

Còn anh Trương Thanh Phong, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới lai vừa thu hoạch 2,4ha giống Ðài Thơm 8 vui mừng cho biết: Do giá lúa đang ở mức cao, nên gia đình tranh thủ thu hoạch lúa đông xuân sớm đúng vào mùng 5 tết đạt năng suất hơn 1,1 tấn/công, năng suất tương đương như năm rồi. Tuy không khí đón tết vẫn còn nhưng đây là vụ lúa quan trọng trong năm, cả gia đình phải ra đồng thu hoạch lúa bán cho thương lái tại ruộng với giá 6.700 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi gần 4 triệu đồng/công.

Theo các thương lái, hiện nay giá lúa vẫn còn tiếp tục tăng nhưng lượng mua vào không còn do người dân đã lấy cọc hết, không còn lượng bán ra. Ông Trần Văn Thương, thương lái thu mua lúa ở huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho hay, ông đang cần khoảng 500 tấn lúa tươi mua chà bán gạo nhưng thời điểm này đã hết lúa. Mặc dù mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng đa phần các cánh đồng, bà con đã nhận tiền cọc trước nên không còn lúa để mua. 

Nông dân háo hức ra đồng sớm

Vụ lúa đông xuân 2020-2021 được ngành nông nghiệp đẩy lên sớm nhất có thể để né hạn mặn vào cuối vụ. Chính vì vậy, ngay sau tết Nguyên đán Tân Sửu nhiều nơi đã bắt tay vào thu hoạch lúa đông xuân chính vụ. Mặc dù trước tết nhiều địa phương ở ĐBSCL có xuất hiện mưa trái mùa nhưng không gây bùng phát dịch bệnh, lúa phát triển tốt và trúng mùa. Đặc biệt là giá lúa hiện nay khá cao nên nông dân rất tích cực chăm sóc để có vụ lúa trúng mùa, được giá.

Chưa có vụ lúa đông xuân nào ở ĐBSCL vui như năm nay, vì lúa trúng mùa mà bán giá cao vút 'trên mây'.  Ảnh 3: Lê Hoàng Vũ.

Chưa có vụ lúa đông xuân nào ở ĐBSCL vui như năm nay, vì lúa trúng mùa mà bán giá cao vút “trên mây”.  Ảnh 3: Lê Hoàng Vũ.

Ngay trong những ngày vui xuân, đón tết, nông dân không quên việc đồng áng mà vẫn háo hức ra thăm đồng, chăm lúa. Từ ngày mùng 3, mùng 4 tết, chạy dọc trên tuyến cao tốc Rạch Sỏi  - Lộ Tẻ, đi xuyên qua những vùng trọng điểm trồng lúa như Tân Hiệp (Kiên Giang), Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), nông dân tranh thủ ra đồng từ rất sớm để thăm lúa và phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh.

Chiều mùng 3 tết, lão nông Nguyễn Văn An, ở xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cùng con ra thăm 3ha lúa đang vào giai đoạn trỗ, phấn khởi nói: Chỉ còn ít ngày nữa là lúa đông xuân cho thu hoạch nên phải chăm sóc kỹ. Nhìn trà lúa trĩu bông, đang ngả màu vàng óng là cầm chắc trúng mùa rồi. Giờ chỉ cần lúa đỏ đuôi là đã có thương lái tìm đến đặt cọc thu mua với giá khá cao, từ 6.300 - 7.000 đồng/kg, tùy giống. Với giá này thì nông dân sẽ có vụ lúa thắng lợi, thu nhập cao.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa đông xuân 2020-2021, nông dân trong tỉnh xuống giống được hơn 284.000ha, vượt so với kế hoạch đề ra. Do xuống giống sớm, nên nhiều nơi sẽ thu hoạch từ trước tết và sau tết là thu hoạch rộ. Cụ thể, vùng U Minh Thượng thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 2 (dương lịch). Vùng Tây sông Hậu thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 3 và Tứ giác Long Xuyên là cuối tháng 3. Lúa phát triển tốt, những nơi vừa thu hoạch đều trúng mùa, đạt năng suất khá cao.

Để bảo vệ tốt sản xuất, trước và sau tết đều có những đoàn chuyên môn đi kiểm tra những vùng trọng điểm sản xuất lúa, để động viên, khuyến cáo nông dân chăm sóc đồng ruộng. Đặc biệt là đề ra các giải pháp tích trữ nước ngọt cho những vùng có nguy cơ hạn hán, mặn xâm nhập, để có nước tưới, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại.

Đặc biệt vụ lúa đông xuân năm nay, đa số nông dân đã nhận tiền cọc, thỏa thuận bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt vụ lúa đông xuân năm nay, đa số nông dân đã nhận tiền cọc, thỏa thuận bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Hậu Giang, hơn 80.000ha lúa đông xuân 2020-2021 cũng đang vào thời kỳ trỗi, chín cho thu hoạch. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau tết, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chuyên môn. Đặc biệt là đối vụ lúa đông xuân, triển khai đồng bộ các giải pháp, không để xảy ra thiệt hại do xâm nhập mặn, thiếu nước tưới.

LÊ HOÀNG VŨ - Đ.T.CHÁNH