Nhiều nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long đón nhận thông tin Việt Nam lần đầu tiên nhập gạo Ấn Độ một cách bình thản. Bởi, theo họ chất lượng sản phẩm cũng như trình độ canh tác lúa của Việt Nam không ảnh hưởng đến việc có nhập gạo ngoại hay không.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL (ảnh Nhật Hồ)
Không lo lắng gì
Ông Nguyễn Văn Hòa, xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu canh tác trên 2ha lúa trên đất tôm. Năm nay, ông chọn lúa thơm chất lượng cao và một phần giống lúa ST24 để sản xuất nhận định: “Chúng tôi trồng lúa đã mấy chục năm nay rồi, năm nay giá lúa tăng khá cao. Tôi cho rằng Nhà nước mình cho nhập gạo nước ngoài cũng là bình thường thôi. Bởi, chất lượng gạo Việt Nam đã được khẳng định nhiều năm nay”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hồng Dân, Bạc Liêu cho biết: “Hiện tại huyện Hồng Dân đang tập trung thu hoạch lúa. Năm nay năng suất và giả cả đều có lợi cho người trồng lúa. Huyện Hồng Dân đã chuyển dần sản xuất lúa chất lượng cao, nên sản phẩm gạo của huyện được người tiêu dùng tin dùng. Theo tôi, việc nhập gạo (nếu có) cũng không ảnh hưởng đến người trồng lúa tại Bạc Liêu”.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL (ảnh Nhật Hồ)
Trong khi đó, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho biết: “Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu nâng sản lượng lúa trên 1,2 triệu tấn. Chúng tôi đang tập trung chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu”.
Đối với người tiêu dùng tại ĐBSCL họ cũng không quá xa lạ với gạo nhập. Chị Nguyễn Ánh Hồng, Phường 3, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu nhận định : “Theo tôi đây là chuyện rất bình thường. Quan trọng là chất lượng và giá cả”.
Giá lúa gạo vẫn ổn định mức cao
Giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa Jasmine 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.950 đồng/kg; Đài thơm 8 7.200 đồng/kg; OM 5451 7.000 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577 giá 7.000 đồng/kg; OM 9582 7.000 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.400 - 6.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang ở mức 5.800 đồng/kg; OM 6976 ở mức 7.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo duy trì ổn định. Cụ thể, gạo nguyên liệu NL IR 504 ở mức 9.800 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 10.200 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 10.200 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu TP IR 504 ở mức 11.500 đồng/kg.
Sản xuất lúa thơm ST25 của doanh nghiệp Ngọc Trí, Sóc Trăng (ảnh Nhật Hồ)
Theo các thương lái, gạo nguyên liệu về ít. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, lúa Đài thơm 8 Thu Đông bắt đầu về lượng ít, nhà máy chào mua gạo với giá cao. Nhiều nhà máy không mua được gạo OM 5451 do lúa Đông Xuân về ít. Nhiều thương lái và nhà máy hỏi mua lúa Đông Xuân trước Tết Nguyên Đán, giá lúa các loại có xu hướng tăng. Với mặt hàng nếp, nhu cầu lúa nếp bán nội địa tăng, nguồn nếp An Giang rất ít, giá nếp khô có xu hướng tăng nhẹ.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 500-505 USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán.
Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Nhật Hồ (Báo Lao Động)