Thua lỗ do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, nhưng nông dân Đà Lạt vẫn gượng dậy tái đầu tư, sản xuất với hy vọng khởi sắc vào dịp cuối năm.
Nhiều hộ cạn vốn
Kể từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều nhà vườn trồng rau, hoa tại xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) phải gánh chịu sự thiệt hại chưa từng có do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nhiều gia đình đã phải đổ bỏ nông sản và lâm cảnh kiệt quệ về kinh tế.
Ông Ngô Đình Lành (55 tuổi, ngụ thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ) cho biết, đầu năm 2021, gia đình trồng 1 ha hoa cẩm chướng và đến lúc vườn chuẩn bị cho thu hoạch thì xảy ra dịch bệnh Covid-19. Do vậy, toàn bộ vốn liếng đầu tư cho vụ hoa không thu về được đồng nào.
Gia đình ông Nguyễn Hạnh hiện đang thu hoạch hoa cúc bán cho thương lái với giá 4.000 đồng/bó. Ảnh: Minh Hậu.
“Thời điểm đầu khi mới bùng phát dịch Covid-19, hoa đến ngày thu hoạch, gia đình thuê người đến cắt rồi đóng gói. Đóng xong rồi nhưng không xuất đi được nên lại phải đổ xuống hầm để tiêu hủy”, ông Ngô Đình Lành buồn bã chia sẻ. Cũng theo nông dân này, 8 tháng đầu năm nay, gia đình thiệt hại trên 200 triệu đồng.
Chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Hạnh (49 tuổi) cũng phải đổ bỏ trên 10 tấn hoa cúc trong 10 ngày đầu tháng 8 do tắc đầu ra. Ông Hạnh cho hay, gia đình ông đầu tư tổng cộng 8 sào hoa cúc (8.000 m2) theo hình thức gối vụ. Số cúc cho thị trường tháng 7 âm lịch khoảng gần 2 sào nhưng do không bán được nên đã phải cắt bỏ 1,5 sào. Số ít còn lại ông may mắn bán được cho thương lái với giá vớt vát 4.000 đồng/bó.
Hiện tại, gia đình ông Hạnh còn khoảng 6 sào cúc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch. “Trong tháng 8 và 9 âm lịch, nếu dịch bệnh vẫn không giảm thì những luống hoa còn lại cũng chưa biết đi đâu về đâu”, nông dân 49 tuổi buồn bã.
Gia đình ông Hạnh trồng hoa cúc đã nhiều năm và phục vụ chủ yếu cho thị trường TP. HCM cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đối với cúc ART, mỗi sào gia đình ông bỏ chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng, cúc lưới thì giá đầu tư từ 35 - 37 triệu đồng/sào.
Gia đình anh Nguyễn Văn Út vẫn xuống giống hoa cúc và kỳ vọng vào thị trường những tháng cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.
Ông Nguyễn Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đa Lộc (xã Xuân Thọ) cho biết: Đợt dịch Covid-19 này làm bà con nông dân trong hội điêu đứng vì không tiêu thụ được nông sản. Vốn đầu tư bỏ ra nhiều nhưng rau, hoa phải đổ bỏ nên nhiều gia đình cạn kiệt vốn. Hiện nay chi hội có khoảng 300 hội viên với tổng diện tích sản xuất rau hoa gần 200 ha.
Chị Trương Thị Hường, một tiểu thương tại xã Xuân Thọ cho biết: Hiện nay, dù đã bước vào tháng 7 âm lịch nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc đưa hoa cúc về các thị trường lớn gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này năm trước, chị đóng và vận chuyển ra Hà Nội hơn 20 tấn hoa cúc, năm nay số lượng hàng chưa đến 10 tấn. “Xe vận chuyển hàng không đủ nên việc thu mua cũng bị gián đoạn. Việc thu mua hiện nay phải báo sớm với đơn vị vận chuyển để họ lên kế hoạch. Trường hợp họ không sắp xếp được xe, tài xế thì mình cũng không thể nhận hàng của nông dân”, chị Hường chia sẻ.
Kỳ vọng cuối năm
Bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng đa phần nông dân Đà Lạt vẫn xoay xở để tái đầu tư. Anh Nguyễn Văn Út (ngụ xã Xuân Thọ) cho hay, gia đình trồng 1 ha hoa cúc nhưng đã phải phá bỏ 4 sào. 6 sào còn lại sắp cho thu hoạch nhưng nếu thị trường không phục hồi thì khả năng đổ bỏ là rất cao.
Đối với 4 sào cúc đã phá bỏ, gia đình anh Út tập trung vào cải tạo đất và tiếp tục xuống giống. Anh chia sẻ: “Lứa hoa vừa rồi thua lỗ nhưng gia đình vẫn tiếp tục xuống giống với hy vọng thu lại vào cuối năm. Nguồn tích góp không được bao nhiêu nên vẫn phải vay mượn ngân hàng, anh em, bạn bè… để lấy nguồn đầu tư. Cứ trồng và đặt niềm tin thôi!”.
Nông dân trồng hoa Đà Lạt vẫn cố gắng duy trì tiếp sản xuất để cung ứng hàng cho dịp cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạnh cũng thổ lộ: “Bị ảnh hưởng dịch, hoa phải nhổ bỏ nhưng giờ gia đình vẫn ráng chạy vay mượn, đầu tư lại chứ không nỡ bỏ không vườn tược. Xoay xở mượn chỗ nọ, chỗ kia để tái đầu tư và hy vọng vào những tháng cuối năm”.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình ông Ngô Đình Lành quyết định tái đầu tư theo hình thức đa canh, tránh việc “được ăn cả, ngã về không”. Trên diện tích 1 ha vườn, sau khi phá bỏ toàn bộ hoa cẩm chướng, gia đình ông chuyển 2 sào qua trồng ớt chuông công nghệ cao, một ít trồng rau ăn lá và phần còn lại khoảng 7 sào trồng cẩm chướng và hoa cát tường.
“Đến thời điểm này, gia đình vẫn có tiền tích lũy nên chủ động được nguồn vốn để tái đầu tư. Nếu vụ rau, hoa lần này vẫn ảnh hưởng dịch bệnh thì khả năng gia đình phải làm thủ tục vay vốn ngân hàng”, ông Ngô Đình Lành nói.
Cũng theo ông Lành, việc tái đầu tư lần này gặp nhiều khó khăn do các đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp không cho nông dân “ký nợ”. Thường lệ, nông dân đầu tư sẽ đến các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lấy vật tư và chi trả các khoản vào cuối vụ sau khi đã bán nông sản. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên các đại lý hiện nay yêu cầu nông dân "lấy đến đâu trả ngay đến đấy". Điều này đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã đề nghị các huyện, thành phố nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày một cách phù hợp. Đồng thời ưu tiên sản xuất theo hình thức liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Địa phương hướng đến vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tăng cường liên kết, thu mua nông sản của nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào công nghệ sơ chế, chế biến, hệ thống kho lạnh dự trữ nông sản để chủ động trong các tình huống.
Minh Hậu