Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ngành chức năng Bình Định triển khai sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 với lịch thời vụ linh động, phù hợp thực tế từng địa phương.
Linh hoạt điều chỉnh thời điểm gieo sạ
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, vụ đông xuân 2024-2025, Bình Định sẽ sản xuất 46.376ha lúa, 2.366ha bắp (ngô), 8.853ha đậu phộng (lạc), 5.852ha rau các loại, 1.229ha đậu các loại và 7.370ha mì (sắn).
Với quyết tâm giành thắng lợi, trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, ngành chức năng Bình Định tập trung kiểm tra, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, điều kiện địa phương gắn với kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.
“Ngành chức năng tăng cường chỉ đạo sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường; chủ động, linh hoạt điều chỉnh thời điểm gieo sạ phù hợp với thời tiết, điều kiện sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai; chuẩn bị tốt các điều kiện về máy móc, vật tư… để gieo trồng tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng”, ông Kiều Văn Cang chia sẻ.
Nông dân Bình Định bắt đầu bước vào sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025. Ảnh: V.Đ.T.
Hiện nay, nông dân Bình Định đang bắt đầu bước vào sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025. Theo lịch thời vụ do Sở NN-PTNT Bình Định ban hành, trên chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm sẽ gieo sạ tập trung từ ngày 25/11 đến ngày 5/12/2024; chân ruộng 2 vụ/năm gieo sạ tập trung từ ngày 10/12 đến ngày 25/12/2024 để lúa trỗ tập trung vào đầu tháng 3/2025; trên chân ruộng trũng thì nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, kết thúc gieo sạ vào cuối tháng 1/2025.
“Căn cứ khung lịch thời vụ chung của tỉnh, chúng tôi đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo xây dựng lịch thời vụ cụ thể phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; đồng thời, thường xuyên theo dõi dự báo, diễn biến mưa lũ để chủ động điều chỉnh thời điểm xuống giống phù hợp, hạn chế thiệt hại do mưa lũ”, TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.
Cũng theo bà Trân, đối với cây trồng cạn trên chân đất cao, thoát nước tốt, ngành chức năng hướng dẫn nông dân gieo trồng từ tháng 11 đến cuối tháng 12/2024; trên chân đất thấp tập trung gieo trồng từ tháng 1 đến đầu tháng 2/2025. Riêng rau dưa các loại sẽ thực hiện trồng rải vụ, thời vụ gieo trồng có thể kéo dài từ tháng 11/2024 đến cuối tháng 2/2025 tùy vào loại rau dưa và điều kiện đất đai.
Ưu tiên giống trung, ngắn ngày
Các giống chủ lực Bình Định đưa vào sản xuất trong vụ đông xuân 2024 - 2025, gồm: Trên chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm sử dụng các giống ĐV108, VNR20, Đài Thơm 8, An Sinh 1399; trên chân ruộng 2 vụ/năm sử dụng các giống ĐV 108, VNR20, Đài Thơm 8, ĐB 6. Các giống bổ sung gồm có nhóm giống ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày như PC 6, MT 10, SV 181, PY 2, QNg 128, TBR 36, An Sinh 1399.
Nhóm giống trung ngày có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày gồm: Thiên ưu 8, Bắc Thịnh, VNR 10, BĐR 27, BĐR 999, BĐR 57, TBR225, ML232, Hà Phát 3, Khang dân 28, DT 45, HĐ 34, ML 215. Nhóm giống lúa dài ngày có thời gian sinh trưởng trên 110 ngày như BC15, ĐT 100. Nhóm giống chất lượng Bình Định đưa vào sản xuất trong vụ đông xuân 2024 - 2025 gồm Hương thơm số 1, Hương Châu 6, Hương Xuân, Thiên Hương 6, TBR 97.
Ngoài ra, còn có các giống triển vọng gồm ĐB 18, HL5, Sơn Lâm 1, DCG 66, Hưng Long 555, QC 03, TBT 132, VN 121, SMART 56, QB 19, ĐH 12, ĐT 68, Hạt vàng 36, HG 12, MT 20, BĐR 36, BĐR79. Về giống lúa lai, Bình Định sử dụng Nhị ưu 838, HYT 100.
Vụ đông xuân 2024 - 2025, các loại rau dưa sẽ được trồng rải vụ, thời vụ gieo trồng tại Bình Định có thể kéo dài từ tháng 11/2024 đến cuối tháng 2/2025. Ảnh: V.Đ.T.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, căn cứ đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, trong năm 2025, ngành chức năng Bình Định tiếp tục mở rộng diện tích chuyển đổi đối với những vùng có nguồn nước tưới, hình thành vùng chuyển đổi tập trung, tạo điều kiện để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây trồng cạn chủ lực, nâng cao hiệu quả chuyển đổi.
Tiếp tục xây dựng các mô hình chuyển đổi, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tổ chức tập huấn hàng năm, gắn với kế hoạch chuyển đổi cây trồng, mùa vụ của từng địa phương.
“Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành chức năng Bình Định sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn trên đất lúa. Vùng chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa thực hiện liên vùng, hạn chế hiện tượng lúa, màu đan xen, thông thoáng hệ thống tưới tiêu nội đồng, không để úng cục bộ”, bà Nguyễn Thị Tố Trân chia sẻ.
Chắt chiu nguồn nước tưới
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, năm nay do trên địa bàn vắng mưa nên đến đầu tháng 12, lượng nước trong nhiều hồ chứa ở Bình Định mới chỉ đạt 50% so với dung tích thiết kế. Nếu qua đầu năm 2025 trên địa bàn tiếp tục vắng mưa và không có lũ tiểu mãn thì nguy cơ sẽ thiếu nước tưới cho vụ hè thu năm sau.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTTL) Bình Định cho biết: Trên địa bàn Bình Định hiện có 164 hồ chứa có dung tích từ 50.000m3 trở lên, trong đó Công ty TNHH KTCTTTL Bình Định đang quản lý, vận hành 63 hồ chứa lớn và vừa với tổng dung tích hơn 643 triệu m3. Đến nay, mới chỉ có 3 hồ chứa lớn là hồ Định Bình, hồ Đồng Mít và hồ Hội Sơn đã đạt xấp xỉ dung tích thiết kế.
“Hồ Hội Sơn chỉ còn 10 triệu m3 nữa là đạt dung tích thiết kế, hồ Đồng Mít hiện đang điều tiết, nhưng khi đóng lại thì lượng nước trữ sẽ đạt dung tích thiết kế. Còn hồ Định Bình hiện đã đạt dung tích thiết kế. Như vậy, vụ đông xuân 2024 - 2025 Bình Định chủ động được nước tưới vì hồ Định Bình đảm bảo tưới cho diện tích sản xuất của 4 huyện, thị, thành phố là Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước và một phần huyện Phù Cát. Còn hồ Đồng Mít tiếp nước cho hệ thống sông Lại Giang cung ứng cho các huyện phía Bắc Bình Định”, ông Nguyễn Văn Tánh chia sẻ.
Hồ Đồng Mít (huyện An Lão, Bình Định) đã gần đạt dung tích thiết kế, đảm bảo cung cấp nước cho diện tích sản xuất lấy nước từ hệ thống Lại Giang. Ảnh: V.Đ.T.
Trước thực tế trên, trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025, ngành chức năng Bình Định tập trung nạo vét các kênh mương, thông thoáng dòng chảy. Trong quá trình sản xuất, ngành chức năng sẽ quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng.
Đặc biệt, Bình Định bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng có khả năng thiếu nước.
“Chúng tôi thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước cho phù hợp với sản xuất. Phối hợp chuyển giao và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm”, TS NguyễnThị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.
Vũ Đình Thung