Trời trở lạnh kéo dài kèm sương mù khiến việc ra bông của cây điều gặp khó khăn. Nhiều nông dân ở Đông Nam Bộ đang lo vườn điều thất thu nếu thời tiết thất thường.
Ông Lâm Văn Vĩnh ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, gần đây, sương mù xuất hiện nhiều vào sáng sớm, ảnh hưởng đến việc ra bông, đậu trái của cây điều. Trước đó, sương mù và mưa lâm râm đã làm khô một số đọt bông trong vườn của ông. Nếu sương lạnh còn kéo dài, bông chậm trổ, có khi đẹt luôn, nhiều nông dân phải kích thích cho cây ra đọt non để đậu bông mới.
Các vườn điều đang giai đoạn ra bông, đậu trái nên nông dân rất ngại sương lạnh và mưa trái mùa
“Thời kỳ ra bông đậu trái, cây điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên nếu sương lạnh còn kéo dài và xuất hiện các cơn mưa trái mùa có thể làm vườn điều thất thu hoặc mất trắng hoàn toàn”, ông Vĩnh lo lắng.
Vào mùa điều trước, nhiều nông dân huyện ở tỉnh Bình Phước cũng kém vui vì năng suất thấp. Một số diện tích điều bị khô hoặc hạt non cháy đen và rụng. Ở nhiều vườn điều, có cây hầu như không ra trái do đầu vụ cây điều liên tiếp gặp mưa trái mùa.
Bà Trần Ngọc Trân ở huyện Phú Riềng nhớ lại, vụ trước, gia đình đã chủ động bón phân, phun thuốc để điều ra bông, đậu trái sớm. Khi thu hoạch sớm, hạt thường to và đẹp nên bán được giá cao, nhưng do gặp thời tiết bất lợi nên đành chịu.
Nông dân cần tích cực chăm sóc, tỉa cành, dọn vườn, tạo tán, cắt cành khô để hạn chế sâu đục thân.
Trước khi vụ điều năm nay ra bông, bà Trân đã thường xuyên thăm vườn, dọn cành, đốt lá khô và tích cực kiểm tra tình hình sâu bệnh. Theo bà Trân, tại địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa; nhiều diện tích điều trồng rải rác nên việc thành lập các tổ hợp tác hay hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn khó khăn. Thời tiết bất lợi trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nhà vườn.
Sau những cơn mưa trái mùa, nấm, bệnh và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. “Vì thế, việc chủ động ngay từ đầu mùa, thường xuyên thăm vườn là cần thiết để kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh, hạn chế tối đa lây lan mầm bệnh sang cây khác”, bà Trân chia sẻ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, không khí lạnh hoạt động không mạnh trong khoảng nửa đầu tháng 1. Cả tháng sẽ có khoảng 4-5 đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại tập trung vào nửa cuối tháng. Khoảng ngày 8-13/1, đối lưu hoạt động làm tăng khả năng gây mưa cho khu vực Nam Bộ.
Thạc sĩ Lê Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng - khuyến cáo, vào niên vụ điều 2019 - 2020, bệnh thán thư, bọ xít muỗi, bọ vòi voi đục chồi... đang gây hại trên một diện tích dù chỉ ở mức độ nhẹ, nên nông dân không được chủ quan.
Các chuyên gia khuyến cáo tránh lạm dụng các loại kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật để phun cùng lúc.
Cây điều bắt đầu ra bông, đậu trái từ tháng 11 kéo dài tới tháng 3 năm sau, rộ nhất là trong tháng 1 và 2. Bông điều thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng; nếu gặp mưa, sương mù, nhất là sương muối thì phấn không bung ra được, dẫn đến tỷ lệ đậu trái rất thấp.
Do đó, việc bảo vệ đọt non, chồi bông trong giai đoạn này có ý nghĩa quyết định đến năng suất vụ mùa. Nông dân cần tích cực chăm sóc, tỉa cành, dọn vườn, tạo tán, cắt cành khô để hạn chế sâu đục thân; quét lá khô đốt để sương bốc hơi nhanh, xua đuổi bọ xít và kích thích cây điều ra bông, đậu trái tốt.
Ngoài việc theo dõi sát tình hình thời tiết, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo, người dân cần sử dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp; tránh lạm dụng các loại kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật để phun cùng lúc vì hiệu quả mang lại không cao.
Các biện pháp cạnh tranh sinh học như trồng cây keo để dụ kiến vàng đến vườn điều cũng giúp khắc chế sâu đục thân và bọ xít muỗi. Với biện pháp này, người trồng điều sẽ giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là phương pháp canh tác sinh học, tránh dư lượng thuốc trong hạt điều.
Trần Khánh (Dân Việt)