Những thách thức hội nhập của ngành giống  

Các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng Thái Lan đề nghị được tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo đó, để không bị tụt hậu trong lĩnh vực then chốt này, đại diện ngành giống cây trồng cũng đề nghị chính phủ tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Vấn đề vi phạm bản quyền giống cây trồng vẫn đang là một thách thức cho ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia. Ảnh: The Nation

Vấn đề vi phạm bản quyền giống cây trồng vẫn đang là một thách thức cho ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia. Ảnh: The Nation

Phát biểu tại một cuộc hội thảo gần đây về CPTPP, Chánh văn phòng Hiệp hội Bảo hộ giống cây trồng quốc gia, Thidakoon Saenudom cho biết, Thái Lan phải mất từ 3 đến 5 năm để nghiên cứu gia nhập Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV).

“Đạo luật bảo hộ giống cây trồng của Thái Lan cũng tương tự như UPOV nhưng không nghiêm ngặt bằng, tuy nhiên hiện đã có nhiều luồng tranh luận về việc nông dân trong nước liệu còn có thể thu thập hạt giống cây trồng khi tham gia CPTPP hay không”, bà Thidakoon cho hay.

Theo bà Thidakoon, riêng UPOV vẫn sẽ cho phép nông dân làm như vậy nhưng với điều kiện họ phải xin phép chủ sở hữu giống để nhận được sự bảo vệ.

Kết quả một nghiên cứu gần đây trên 2.000 nông dân đều cho rằng, hoạt động nghiên cứu giống cây trồng của Thái Lan cần phải được thay đổi theo nhu cầu thị trường. Do vậy, việc nông dân có thể thu thập hạt giống hay không, không phải là mối bận tâm lớn bởi các trường hợp này chỉ xảy ra nhỏ lẻ để bù đắp những thiếu hụt nhất thời, tại chỗ.

Liên quan đến hoạt động trao đổi hạt giống theo bà Thidakoon, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của chính phủ.

“Một khi chính phủ đồng ý, UPOV sẽ cho phép nông dân thu thập hạt giống thêm một năm nữa và không vượt quá ba lần số hạt giống đã mua. Do vậy những nông dân không có ý định thay đổi giống cây trồng sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, UPOV cũng sẽ cho phép khu vực nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu, lai tạo các giống truyền thống của Thái Lan nhưng họ không được đứng tên chủ sở hữu những giống đó. Hai điều kiện bắt buộc khác để yếu tố nước ngoài tham gia, gồm giấy phép đăng ký và trả phí hàng năm để nhận được quyền bảo hộ, giống như người Thái làm những điều tương tự tại các quốc gia khác”, bà Thidakoon nói.

Theo các chuyên gia ngành giống, khi là thành viên của UPOV giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và nông dân sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên các tổ chức chính phủ hiện nay lại dường như vẫn chưa sẵn sàng cho sự thay đổi.

Doanh nghiệp giống Chia Tai đã trao tặng 500.000 gói hạt giống rau cho cộng đồng nhằm giảm bớt các tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: BioThai

Doanh nghiệp giống Chia Tai đã trao tặng 500.000 gói hạt giống rau cho cộng đồng nhằm giảm bớt các tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: BioThai

Tiến sĩ Chairerg Sagwansupyakorn, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hạt giống Thái Lan (ThaSTA) cho biết, chính phủ cần phải đặt ưu tiên lợi ích của đất nước do việc bán các giống cây được bảo hộ sẽ vi phạm luật và việc lai tạo giống 100% không phải là độc quyền mà là một sự kích thích để tăng tính cạnh tranh.

Mặc dù CPTPP có khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại dài hạn giữa 11 quốc gia thành viên, nhưng rất khó để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của nó đối với các mô hình thương mại cũng như các xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại quan trọng còn biên độ để mở rộng.

Trong khi đó, tiến sĩ Kanokwan Chodchoey, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hạt giống Châu Á –Thái Bình Dương cho rằng, các khu vực tư nhân hiện đã chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng và phù hợp với các tiêu chuẩn của UPOV.

Nipon Chiawongrungrueng, một nhà lai tạo giống lan cho biết, các nhà nhân giống cây trồng ở Thái Lan rất mong muốn được UPOV chấp thuận bởi việc lai tạo, chiết ghép giống hoa lan là rất cần thiết trong kinh doanh.

Theo bộ phận đàm phán thương mại thuộc chính phủ Thái Lan, hiện nước này đang ở bước thứ ba trong 12 bước để tham gia CPTPP và hiện Quốc hội Thái Lan cũng chuẩn bị lập ra một ủy ban để xem xét vấn đề này.

CPTPP đến nay có 11 quốc gia thành viên bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, New Zealand, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.

Hiệp định này ràng buộc các thành viên, đại diện cho khoảng 13,5% thương mại hàng hóa toàn cầu, với 30 chương giúp cho việc tiếp cận đầu tư và thương mại tự do hơn. Những lợi ích cụ thể của hiệp định được thể hiện khác nhau giữa các quốc gia.

Kim Long

Nguồn: (The Nation, CNA)