Tuy địa hình nhiều đồi núi nhưng bù lại thổ nhưỡng ở Tuyên Quang khá màu mỡ. Bởi vậy, cây na cũng bén duyên với vùng núi đá nơi đây từ khá sớm.
Những vùng na giàu có
Cây na được trồng ở hầu khắp các huyện, thành phố ở Tuyên Quang. Nhưng làm nên thương hiệu na thì na núi đá vẫn là số một. Những vùng đất nâu đỏ tơi xốp xen đá vôi là nơi có điều kiện lý tưởng nuôi dưỡng cây na lớn nhanh, vị ngọt đậm, quả to, đều mắt.
Các vùng na ở Tuyên Quang thường được thu hoạch vào tháng 8. Để na chín đúng vụ và đạt năng suất, dịp tháng 11, tháng 12 hàng năm khi cây rụng lá các chủ vườn thường tiến hành đốn tỉa toàn bộ cành cao, chỉ để cây cao khoảng 1,5 - 1,8 m. Cắt bỏ toàn bộ đầu cành, cành khô, cành tăm hương, cành ngọn và cành nhỏ mọc trong tán, chỉ để lại những cành to bằng ngón tay út trở lên. Sau đó thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật dưới gốc na để loại bỏ các mầm sâu bệnh hại có thể lây lan. Tiến hành bón phân chuồng hoặc phân vi sinh, các loại phân vô cơ theo nhu cầu cây na, tưới đủ ẩm để sang xuân cây bật chồi, hình thành bộ tán mới.
Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn cho biết, hiện toàn xã có 112 ha na, trong đó 2/3 diện tích này đã cho thu hoạch. Tổng sản lượng đạt gần 700 tấn na quả/năm. Với giá đầu vụ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg; giữa vụ giá 20.000 đồng/kg người trồng na rất phấn khởi. Xã có hơn 10 hộ thu lãi từ 200 - 500 triệu đồng/năm từ trồng na.
Từ trồng na, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.
Xã Lực Hành, huyện Yên Sơn được coi là thủ phủ của na ở Tuyên Quang. Về xã Lực Hành những ngày này, xe nối xe tấp nập trở na đi khắp các tỉnh thành của cả nước. Na được chở đi Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, nhiều nhất vẫn là thị trường Hà Nội. Những ngọn núi đá cheo leo cao đến 300-400 m được phủ kín màu xanh của na. Để tiện đường cho việc vận chuyển, người dân đã chủ động làm đường bê tông lên tận đỉnh núi.
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều hộ dân ở Hà Tây (cũ) lên khai hoang và sinh sống ở xã Lực Hành và mang theo cây na trồng trên vùng đồi núi nơi đây. Mới đầu, người ta chỉ trồng vài cây ở quanh nhà để ăn chơi. Sau đó khi nhu cầu thị trường tăng cao, người ta mở rộng diện tích trồng na trên những vùng đất đồi dốc, soi bãi kém hiệu quả để phát triển kinh tế. Hiện nay toàn xã có 94 ha na.
Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành, huyện Yên Sơn cho biết, cây na được trồng ở địa phương được khoảng 50 năm nay. Nhưng phát triển mạnh và trở thành sản phẩm hàng hóa được hơn 10 năm nay. Từ trồng na, nhiều thôn đã có cuộc sống ấm no. Mỗi năm từ trồng na, người dân trong xã thu về khoảng 15 - 18 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống sung túc, xây dựng được biệt thự khang trang. Riêng thôn Minh Khai đã có hơn 20 chiếc ô tô các loại.
Hướng tới sản xuất sạch
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 259 ha na, năng suất trung bình đạt 51,9 tạ/ha. Tổng sản lượng trung bình hằng năm đạt 1.344 tấn. Những địa phương có diện tích lớn nhất là huyện Yên Sơn với 254 ha; huyện Sơn Dương 35 ha; TP Tuyên Quang 14 ha. Ở Tuyên Quang những vùng đất cây na cho quả thơm ngon nhất là xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang; xã Lực Hành, Quý Quân, Phúc Ninh, huyện Yên Sơn…
Vùng đất trên các dãy núi đá vôi khá phù hợp để cây na phát triển và cho quả to, đều mắt, vị ngọt đậm. Ảnh: Đào Thanh.
Những năm gần đây, do nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là việc chủ động thụ phấn khi na ra hoa nên hầu như không năm nào na bị mất mùa. Từ đầu vụ khi na bắt đầu đậu quả những nhà vườn đã chủ động để mỗi cành bao nhiêu quả đảm bảo quả đủ to, đều mắt, chất lượng. Ngoài diện tích na cho quả chính vụ, người dân đã chủ động cho cây na ra quả vào dịp cuối năm để được giá hơn.
Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Sơn cho biết, phát triển vùng na của địa phương theo hướng sản xuất hàng hía, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình về kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc; triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/đơn vị khi hoàn thành các thủ tục công nhận nhãn mác, thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. Chính quyền địa phương luôn hướng người dân thực hiện đúng diện tích đã được khảo sát địa chất phù hợp để cây na cho quả có chất lượng và trong quy hoạch. Bởi có như thế mới giúp quả na có chất lượng và thị trường của na Tuyên Quang mới vươn xa được.
Thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn có 35 ha na. Cây na phát triển mạnh tại vùng đất này được 5 năm nay. Nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm na địa phương, người trồng na ở Soi Tiên chủ động đăng ký xin làm VietGAP với 100% diện tích.
Mở rộng diện tích trồng na sạch là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Tuyên Quang đang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Nguyễn Danh Tiến, thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh cho biết, trong khi chờ chính quyền công nhận VietGAP ông và các hộ dân trong thôn vẫn chủ động trồng na sạch, đảm bảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách. Thay bằng việc phun thuốc bảo vệ thực vật diệt sâu bọ, đến khi quả na đạt đường kính từ 2 đến 3 cm bà con chủ động bọc bằng ni lông để không bị sâu bọ tấn công. Hiện gia đình ông Tiến trồng 10 ha na, mỗi năm thu lãi 250 triệu đồng. Ông Tiến bảo rằng, nếu không trồng na an toàn, na mất giá, tiêu thụ khó khăn thì chẳng các nào mình tự hất nồi cơm của mình đi.
Dù cây na Tuyên Quang đang được cải thiện cả về năng suất, chất lượng, thế nhưng bài toán mà ngành nông nghiệp Tuyên Quang luôn vấp phải đó là vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa. Một khó khăn nữa là so với na ở một số địa phương khác thì sản phẩm quả na ở Tuyên Quang còn chưa được biết đến nhiều trên thị trường, do vậy sức cạnh tranh thấp.
Giải bài toán về khó khăn cho cây na, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và chính quyền các huyện, thành phố cùng người dân đang nỗ lực quảng bá, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của cây na. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục và được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận sản phẩm quả na Lực Hành được cấp chứng chỉ, nhãn hiệu hàng hóa. Huyện Yên Sơn đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và phát triển vùng sản xuất na hàng hóa tại xã Phúc Ninh và xã Lực Hành. Cây na cũng được 2 xã này lựa chọn trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với 550 hộ gia đình tham gia, tổng diện tích 118 ha.
Đào Thanh