Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đang tích cực chuyển đổi sản xuất lúa sang các cây trồng cạn cho giá trị kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải.
Giống đậu phộng chinh phục đất cát ven biển
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), đậu phộng (lạc) là cây công nghiệp ngắn ngày, cây hàng hóa quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đơn cử như ở Bình Định, diện tích trồng lạc hàng năm luôn chiếm trên 60% so với tổng diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày trên địa bàn tỉnh.
Hiện diện tích đậu phộng ở Bình Định đạt gần 10.000ha/năm, tập trung tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn, chủ yếu được gieo trồng trên chân đất phù sa, đất xám, đất xám bạc màu và đất cát thuộc địa hình đồng bằng giáp biển.
Mô hình sản xuất đậu phộng của ASISOV. Ảnh: V.Đ.T
Tuy nhiên, do áp lực của quá trình đô thị hóa và nguy cơ xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra nên diện tích trồng đậu phộng nói riêng và đất sản xuất nông nghiệp ở Bình Định nói chung đang dần bị thu hẹp do diện tích bị mặn hóa ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, diện tích đất nhiễm mặn ở Bình Định là 12.759ha, trong đó diện tích nhiễm mặn trung bình và ít là 9.618ha, chiếm 1,6% diện tích đất tự nhiên và 75,4% trong tổng diện tích đất nhiễm mặn.
Đây là loại đất nhiễm mặn có thể sử dụng được để đa dạng hóa cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Cây đậu phộng hiện nay là lựa chọn số một của nông dân gắn với khai thác và sử dụng hợp lý đất nhiễm mặn. Đây cũng là hướng đi mà ngành chức năng Bình Định đang quan tâm.
Tuy nhiên, theo TS Hồ Huy Cường, hiện trên cả nước chưa có nhiều công trình nghiên cứu về chọn tạo giống đậu phộng chịu mặn, ngoại trừ công tác bảo tồn quỹ gen có thu thập giống đậu phộng 3 tháng chịu mặn, nhưng kết quả phân lập tập đoàn để lưu giữ lại chưa quan tâm đến khả năng chịu mặn của các giống. Vì vậy, để từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất đậu phộng trên đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển vùng Duyên hải Nam Trung bộ, việc thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống lạc có khả năng chịu mặn, năng suất cao, kháng bệnh héo xanh và thích hợp với điều kiện sinh thái vùng ven biển là rất cần thiết.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/nhung-cay-trong-can-uong-it-nuoc-cho-nhieu-tien-d380031.html