Bệnh khảm lá sắn đã lan rộng ra 5 huyện với tổng diện tích trên 2,8 nghìn ha, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ.
Năm nay, bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Thanh Hóa sớm hơn và tốc độ lây lan cao. Ảnh: Võ Dũng.
"Năm nay, giá sắn nguyên liệu được đẩy lên cao kỷ lục đã kích thích nông dân đầu tư vào trồng sắn. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn cung giống nên nông dân sử dụng cả giống sắn nhiễm bệnh để trồng. Điều này là rất nguy hại khiến bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng”, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cho biết.
Bệnh khảm lá sắn xuất hiện vào khoảng đầu tháng 3, tại huyện Như Xuân. Năm nay, khảm lá sắn xuất hiện tại Thanh Hóa sớm hơn những năm trước và ngay từ lúc cây sắn vừa mọc mầm, tốc độ lây lan nhanh.
Tính đến ngày 27/4/2021, trong tổng số 12,9 nghìn ha sắn niên vụ 2021-2022 đã trồng tại Thanh Hóa có trên 2,8 nghìn ha nhiễm bệnh khảm lá sắn, tại 5 huyện.
Tỷ lệ bệnh khảm lá sắn phổ biến 10-15%, cao 30%, cục bộ 90%. Bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) lứa 2, mật độ phổ biến 5 con/m2, điểm cao 10 con/m2, cục bộ 30 con/m2.
Các huyện có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn nhiều như Như Xuân (1,1 nghìn ha); Thường Xuân (trên 975ha); Như Thanh (161ha)...
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, cùng kỳ niên vụ 2019-2020, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn là 1,6 nghìn, tại 3 huyện.
Hiện nay, ngành nông nghiệp, các địa phương đã động viên bà con nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy trên 246ha và phun trừ bọ phấn trắng 800ha.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù ngành nông nghiệp, UBND các huyện và người dân đã triển khai các giải pháp để phòng chống dịch bệnh, nhưng bệnh khảm lá sắn vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ cao lây lan ra diện rộng do nhiều nguyên nhân.
Bệnh khảm lá sắn xuất hiện lần này tại Thanh Hóa là dịch hại mới do chủng virus Sri Lanka Cassava Mosaic virus gây nên, hiện chưa có thuốc đặc trị. Đường lây truyền bệnh phức tạp, qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng).
Vùng trồng sắn tại Thanh Hóa có địa hình khó khăn cộng giải pháp phòng trừ bệnh chưa phù hợp nên hiệu quả phòng trừ không cao. Bên cạnh đó, nguồn giống kháng bệnh khảm lá sắn chưa được đưa vào sản xuất rộng rãi để thay thế giống nhiễm bệnh.
Theo dự báo, thời tiết trong thời gian tới khá thuận lợi cho đối tượng bọ phấn trắng phát triển, kết hợp với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan gây hại trên diện rộng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các vùng trồng sắn.
Trước tình hình này, bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng trừ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa hướng dẫn nông dân sử dụng giống sắn sạch bệnh, không sử dụng các giống sắn nhiễm bệnh cao như HLS-11; quản lý tốt nguồn bọ phấn trắng và tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng trong quá trình sản xuất.
Đối với những ruộng sắn có tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV Thanh Hóa hướng dẫn người dân nhổ cây bị bệnh, thu gom, đốt và trồng dặm lại bằng giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh.
Thanh Hóa hiện có trên 2,8 nghìn ha nhiễm bệnh khảm lá sắn và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Ảnh: Võ Dũng.
Các ruộng sắn có tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh nhổ toàn bộ ruộng, thu gom, đốt và chuyển sang cây trồng khác ít nhất 1 vụ để cắt nguồn bệnh và tuyệt đối không trồng các loại cây ký chủ của bọ phấn trắng.
Võ Văn Dũng.