Cục Bảo vệ Thực vật lưu ý, việc lúa hè thu bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tăng cao sẽ là nguy cơ lớn cho vụ lúa thu đông và vụ mùa sắp tới; đồng thời còn có nguy cơ là cầu nối của dịch bệnh sang cả vụ đông xuân 2020 - 2021 ở ĐBSCL...
Chiều 1-6, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay nông dân các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm sản xuất vụ lúa hè thu năm 2020, với tổng diện tích hơn 1,5 triệu ha.
Tính đến thời điểm này, ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang… đã có hơn 1.199 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, tăng hơn 665 ha so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, ở ĐBSCL còn có khoảng 9.422 ha lúa bị rầy nâu; 6.967 ha bị bệnh đạo ôn; 7.143 ha bị bệnh lem lép hạt; 5.130 ha lúa trong giai đoạn đẻ nhánh và trổ bị sâu cuốn lá nhỏ; khoảng 3.066 ha bị ốc bươu vàng tấn công.
Ngoài ra, ở Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Long An… còn có hơn 5.889 ha lúa hè thu bị chuột cắn phá, tăng cao so cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân cần tăng cường thăm đồng nhằm đề phòng dịch bệnh gây hại cho lúa
Cục Bảo vệ Thực vật lưu ý, việc lúa hè thu bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tăng cao sẽ là nguy cơ lớn cho vụ lúa thu đông và vụ mùa sắp tới; đồng thời còn có nguy cơ là cầu nối của dịch bệnh sang cả vụ đông xuân 2020- 2021 ở ĐBSCL, nếu không thực hiện các giải pháp quản lý kịp thời.
Qua dữ liệu bẫy đèn thu thập, thì dự báo đỉnh cao rầy nâu di trú trong vụ thu đông và vụ mùa sẽ từ tháng 7 đến tháng 9-2020 (thời điểm biến động từ ngày 14 đến 22 mỗi tháng).
Áp dụng các biện pháp quản lý tốt dịch hại để sản xuất lúa được an toàn
Riêng tháng 7-2020, rầy nâu có thể di trú số lượng lớn, do lúa hè thu thu hoạch rộ ở ĐBSCL; đồng thời trùng lịch xuống giống vụ thu đông, vụ mùa; ngoài ra trùng với cao điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh tạo điều kiện phát tán rầy nâu di trú mang bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Do đó, nông dân các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, sẵn sàng phương án phòng trị sâu bệnh hiệu quả…
Nông dân Đồng Tháp kiểm tra lúa hè thu nhằm đề phòng dịch bệnh và chuột phá hại
Ngọc Dân (Báo SGGP)