14 năm từ khi được khai sinh tới nay, nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê đang “thoi thóp”, đứng trước nguy cơ biến mất khỏi thị trường.
Hồ tiêu Chư Sê là nhãn hiệu độc quyền tập thể đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp cho nông sản Tây Nguyên. Nhãn hiệu này cũng được đăng ký bảo hộ ở nhiều quốc gia, mở đường cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, 14 năm từ khi được khai sinh tới nay, nhãn hiệu này đang “thoi thóp”, đứng trước nguy cơ biến mất khỏi thị trường.
Nhãn hiệu đơn thuần vẫn chỉ là vùng nguyên liệu
Cầm trên tay sản phẩm hồ tiêu xanh ngâm dấm Trúc Phùng Farm có logo Hồ tiêu Chư Sê do mình sản xuất, chị Phùng Thị Trúc, ở thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho biết, đối với chị đây là một niềm tự hào. Bởi đã có thời gian, nhắc tới hồ tiêu Chư Sê là nhắc tới những hạt hồ tiêu đen bóng, mẩy và hương thơm đặc trưng, vị cay nồng có phần nổi trội hơn hồ tiêu nơi khác.
Chị Trúc (bên phải, ngoài cùng) nỗ lực mang sản phẩm gắn logo Hồ tiêu Chư Sê ra thị trường, nhưng khá khó khăn.
Tuy nhiên, chị Trúc cũng thừa nhận thực tế rằng, điều này chưa giúp sản phẩm tiếp cận thị trường dễ hơn, cũng chưa giúp gia tăng giá trị khi đặt cạnh sản phẩm hồ tiêu nơi khác. Tại huyện Chư Sê, hiện nay, cơ sở kinh doanh của chị Trúc cũng là nơi duy nhất còn lại sử dụng logo Hồ tiêu Chư Sê trên sản phẩm.
“Cơ sở có nhiều mặt hàng như tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu xanh ngâm gắn nhãn hiệu của Hiệp hội lên sản phẩm. Mục đích là định danh nguồn gốc, nguồn nguyên liệu cơ sở sử dụng, thể hiện giá trị văn hoá với nơi mình sinh sống. Nhưng hiện nay, giá cả thấp khiến tâm lý bà con không muốn gắn nhãn hiệu như trước đây”, chị Trúc thoáng buồn.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Hồ Tiêu Chư Sê cho biết, vào thời hồ tiêu thịnh vượng, diện tích cây trồng này của địa phương lên tới 3.000 ha, cho sản lượng từ 12.000 - 15.000 tấn/năm, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng hồ tiêu cả nước. Tổng số thành viên hiệp hội có lúc lên tới 1.700, rất nhiều trong số đó là những nông dân tỷ phú, những hợp tác xã vững mạnh.
Tuy nhiên, dù hoạt động giao thương hồ tiêu ở huyện Chư Sê diễn ra khá nhộn nhịp, nhưng chỉ dừng ở mối quan hệ mua bán của nông dân và thương lái. Việc canh tác hồ tiêu cũng diễn ra manh mún, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Tại đây, chưa có doanh nghiệp chế biến lớn nào “đỡ đầu” để xây dựng nền sản xuất bền vững và đưa sản phẩm hồ tiêu mang nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê ra thị trường. Chỉ có Hợp tác xã Hồ tiêu Chư Sê đã từng có nhiều sản phẩm tiếp cận thị trường thì cũng đã dừng hoạt động từ đầu năm nay.
Ông Hoàng Phước Bính thừa nhận, trong 14 năm qua, từ khi nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê ra đời, địa phương vẫn chỉ đơn thuần là một vùng nguyên liệu. Là chủ sở hữu, dù muốn phát triển nhãn hiệu, nhưng Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê không đủ khả năng.
“Các thành viên Hiệp hội vẫn chủ yếu bán nguyên liệu cho nước ngoài. Kể cả có đơn vị mua hồ tiêu Chư Sê về làm tiêu trắng, tiêu sọ thì đó cũng chỉ là nguyên liệu xuất đi nước ngoài, xuất theo lô, theo container. Nếu chỉ bán nguyên liệu thì cần gì thương hiệu, nhãn hiệu. Thực tế là nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý hay cái gì đi nữa thì quan trọng nhẫn vẫn là có đưa ra được thị trường không, có phát huy được hiệu quả không”, ông Bình băn khoăn.
Ai nuôi dưỡng nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê?
Nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê cùng Logo 2 dé tiêu xanh bao bọc mặt trời đang nhô lên từ sau dãy núi chính là nhãn hiệu nông sản đầu tiên mà Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp cho nông dân Tây Nguyên vào năm 2007. Ông Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Chuyên ngành, Sở Khoa học Công nghệ Gia Lai cho biết, trước đây đơn vị đã có hẳn một dự án để quảng bá nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê. Cùng với đó, nhãn hiệu này cũng đã được Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ độc quyền tại 8 nước.
Đây là những bước đệm để mở đường cho việc phát triển thương hiệu ở trong nước và các thị trường xuất khẩu nước ngoài của hồ tiêu. Theo ông Thắng, yếu tố quan trọng nhất quyết định nhãn hiệu có ra thị trường hay không vẫn phải là phụ thuộc việc chủ quản có xây dựng được nền sản xuất bền vững, với chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp hay không.
“Nhãn hiệu tập thể thuộc tài sản của tập thể, nó không thuộc cơ quan quản lý nhà nước nào. Sau khi xác lập quyền, chủ thể có đủ năng lực thúc đẩy cho nhãn hiệu đó hoạt động hay không, tự thân chủ sở hữu của nhãn hiệu phải phát triển, nhà nước không can thiệp, không thể hỗ trợ mãi được”, ông Thắng khẳng định.
Nhãn hiệu có ra thị trường hay không vẫn phải là phụ thuộc việc chủ quản.
Câu chuyện sản phẩm được khai sinh, nhưng không được nuôi dưỡng khiến nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê của tỉnh Gia Lai chỉ dừng lại ở một danh hiệu, đã một phần cho thấy sự yếu kém của nền sản xuất hồ tiêu ở địa phương.
Dù là vùng nguyên liệu lớn, nổi tiếng cả nước, nhưng vì không xây dựng được các yếu tố cần thiết nên đã tự đánh mất mình, không mang lại giá trị thiết thực cho nông dân địa phương. Ở một góc nhìn khác, đây cũng là một bài học đắt giá về việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu cho nông sản ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung./.
Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên