Người xây dựng thương hiệu chè La Bằng

Lần đầu tiên một ký chè (trà) Thái Nguyên được bán với giá 5 triệu đồng mà không phải là chè Tân Cương như nhiều người đã quen tiếng xưa nay. Mà đó là sản phẩm đinh tâm chè của Hợp tác xã chè La Bằng - chè tôm nõn (chỉ hái một tôm để chế biến), được đựng trong hộp tre ép. Sản phẩm này đã được Chính phủ chọn làm quà tặng cho Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua. Đây là kết quả của gần 11 năm phấn đấu không mệt mỏi của chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã chè La Bằng ở xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Những nương chè xanh mướt của Hợp tác xã Chè La Bằng được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên để cho chất lượng sạch, ngon. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Lội dòng nước ngược

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè La Bằng, nơi mà “người dân làm ruộng chỉ đủ ăn, toàn bộ chi tiêu trông cậy vào cây chè” nên từ lúc còn học vỡ lòng, chị Hải (sinh năm 1965) đã theo mẹ lên nương hái chè, ngủ giữa những đống chè nghễu nghện; lớn lên thì làm chè mang đi bán như mọi người mà chẳng phải nghĩ ngợi gì. Chỉ đến khi có người hỏi “La Bằng ở đâu” chị mới thấy chột dạ.

Chị kể: “Tôi đi bán chè ở chợ Rồng (Nam Định). Chè bày ra, ai uống thử cũng đều thích nhưng khi tôi nói là chè La Bằng thì không ai biết ở Thái Nguyên có chè La Bằng. Nhiều người còn tưởng La Bằng ở tỉnh Cao Bằng...”. Chị Hải cho biết có người còn nói sỗ là Thái Nguyên chỉ có chè Tân Cương ngon, các loại chè khác đều không uống được! Có lẽ vì vậy mà chè của chị Hải tuy ngon nhưng vẫn không bán được giá!

Năm 2000, chị Hải tham gia vào hợp tác xã chè Tiến Thành, đi rất nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm. Và cũng vậy, khi chị pha chè mời khách uống, ai cũng khen ngon, nhưng khi nói là chè La Bằng thì họ bỏ đi. Có người nôn nóng bán được hàng nên đã nói dối là chè Tân Cương, khi ấy thì người ta lại mua nườm nượp. Nhưng chị Hải thì không chấp nhận “cáo mượn oai hùm”. Chị nuôi quyết tâm chứng minh cho người tiêu dùng biết La Bằng là một vùng chè ngon của Thái Nguyên. Rồi khi tham dự các lớp tập huấn, chị hiểu được rằng không có thương hiệu thì sản phẩm sẽ chết, và chị bắt tay xây dựng thương hiệu chè La Bằng.

Đầu tiên, chị đến ủy ban xã trình bày ý tưởng thành lập hợp tác xã chè La Bằng. Rất may là ông Chủ tịch xã Lương Văn Thùy nhiệt tình hưởng ứng và hợp tác xã chè La Bằng đã được thành lập với chín xã viên vào tháng 12-2006. Sang năm 2007, chị Hải nộp đơn về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị được cấp chứng nhận nhãn hiệu chè La Bằng. Tuy nhiên, chị được giải thích rằng hợp tác xã chỉ là một nhóm người, không thể lấy tên địa danh của cả xã. Sau khi có người tư vấn đăng ký nhãn hiệu theo cách viết không bỏ dấu, chị đã đăng ký nhãn hiệu chè La Bang và được cấp chứng nhận thương hiệu vào tháng 10-2008. Nhờ hợp tác xã tích cực giới thiệu sản phẩm ở nhiều hội chợ từ Bắc vào Nam, đến năm 2009, chè La Bang bắt đầu được người tiêu dùng biết đến. Nhưng đó cũng là lúc cạn tiền nên một số người đã rút khỏi hợp tác xã, số thành viên chỉ còn lại bốn người. Câu hỏi: “Từ bỏ hay tiếp tục theo đuổi?” cứ xoáy vào tâm can chị Hải.

Không bỏ cuộc, chị Hải vận động được thêm ba xã viên mới để vừa đủ bảy thành viên, đảm bảo điều kiện giữ lại hợp tác xã và định hướng không chạy theo số lượng, chuyên tâm làm “chè sạch từ tâm”, tận dụng mọi cơ hội tham dự các hội chợ. Và trời đã không phụ lòng người, hợp tác xã bắt đầu nhận được những đơn hàng đầu tiên rồi dần dần có chỗ đứng trên thị trường.

Thế nhưng khó khăn khác lại ập đến. Năm 2010, tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ có dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể chè La Bằng nhưng không đăng ký được nhãn hiệu do đã có nhãn hiệu “chè La Bang”. Chị Hải nhớ lại: “Lúc đó, huyện mong muốn chúng tôi nhượng lại vô điều kiện nhãn hiệu mà hợp tác xã đã đăng ký. Họ nói cũng có lý là nếu để chè La Bang thì chỉ một nhóm hộ gia đình được sở hữu, còn đăng ký nhãn hiệu chè La Bằng thì tất cả người dân trong xã sẽ được lợi. Tôi bàn bạc với xã viên thì mọi người không nhất trí vì hợp tác xã mới tạm vượt qua giai đoạn khó khăn, tiền in bao bì thì đã mất gần một trăm triệu đồng... Nhưng rồi nghĩ tới lợi ích của số đông, tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, các xã viên cũng đồng ý nhượng lại nhãn hiệu chè La Bang để chính quyền làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu chè La Bằng và năm 2012 thì được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể”.

Vươn tầm

La Bằng có những đồi chè bát ngát, mát mắt, nằm bao quanh chân núi Tam Đảo. Người dân nơi đây nói rằng vì đây là một vùng đất rộng rãi, thoai thoải, bằng phẳng nên được gọi với cái tên La Bằng.

La Bằng có khí hậu tiểu vùng miền núi mang sắc thái của khí hậu ôn đới, đất đai màu mỡ rất thích hợp với cây chè. Trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Ðiệng hiện còn có bãi chè cổ, nhiều cây có đường kính rộng tới 50 cen ti mét. Trà trở thành cây trồng chủ lực tại đây từ cuối thế kỉ 19. Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết La Bằng được chính quyền tỉnh Thái Nguyên công nhận là làng nghề chè truyền thống với hai hợp tác xã chè, năm câu lạc bộ chè, năm tổ hợp tác chè.

Vùng nguyên liệu của hợp tác xã chè La Bằng hiện có 20 héc ta trồng những giống chè: trung du, keo am tích, hoa nhật kim... Sản phẩm của hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, chế biến theo quy trình sản xuất chè sạch tiêu chuẩn VietGAP. Họ cũng áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ, thuận tự nhiên. Từ những búp chè xanh non, các xã viên đã thu hái, làm ra những sản phẩm chất lượng cao như đinh tâm trà, Thanh Hải trà, búp chè vàng, trà sen, trà nhài...

Chè La Bằng có hậu ngọt, hương vị độc đáo, nổi bật nhất là mùi hương như hương hoa rừng, vừa thơm mát vừa dịu êm. Hợp tác xã chè La Bằng tin rằng doanh thu năm nay của họ sẽ vượt con số 1,9 tỉ đồng của năm 2016.

Ngày trước, dân La Bằng phải mạo danh chè Tân Cương để bán được hàng. Ngày nay, tại các hội chợ, triển lãm, chị Nguyễn Thị Hải nhất nhất phải thuê được vị trí ở ngay bên cạnh gian trưng bày của chè Tân Cương mà bày chè La Bằng. Chị nói: “Tôi muốn đánh tan định kiến của người tiêu dùng và muốn khẳng định chè La Bằng đã tự tin sánh vai cùng với chè Tân Cương”.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng sản phẩm chè, chị Hải còn tính chuyện khai thác du lịch ở vùng chè quê hương.

La Bằng có suối Tiên Sa đổ vào sông Công. Dòng suối là một địa điểm du lịch. Nơi đây đã được các tổ chức và chính quyền địa phương lập dự án đầu tư để trở thành khu du lịch sinh thái gắn liền với khu du lịch vùng Tam Đảo. Trong khu vực còn có các điểm tham quan khác như suối Kẹm, suối Trơn, thác Trắng, bàn Cờ Tiên, vực Thẳm, sạt Đèo Khế, Chuôm, Ngả Hai, Voi Dắt, Đá Ngầm, Đeo Tiều... Trên địa bàn xã cũng có trang trại nuôi cá tầm chất lượng cao. Chợ chè La Bằng thì họp các phiên chính vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 và phiên xép vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng...

Vườn quốc gia Tam Đảo thì có hơn ngàn loài thực vật, trong đó, có nhiều loài thực vật bậc cao, các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới; những loài quý hiếm cần được bảo tồn. Động vật tại đây cũng rất phong phú với nhiều loài chim đẹp; những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng; những sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen...; đặc biệt là một số loài chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen, rắn ráo thái dương, cá cóc Tam Đảo và các loài côn trùng.

La Bằng là địa bàn cư trú lâu đời của người Dao, người Nùng, người Kinh... nên cũng có những phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực độc đáo, lý thú.

Đó là những nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa chè gắn với du lịch hoang dã, sinh thái, nghỉ dưỡng. Chị Hải tin rằng việc khai thác tốt các tour du lịch kiểu này sẽ góp phần quảng bá thương hiệu, xuất khẩu tại chỗ chè La Bằng, nâng cao thu nhập cho người làm chè. 

Đỗ Quang Tuấn Hoàng (thesaigontimes.vn)

Sưu tầm: Tùng Linh