Ngô biến đổi gen được phê duyệt ở Philippines từ gần 20 năm trước. Đến nay, ngô biến đổi gen đã mang lại thu nhập cao hơn cho hàng trăm ngàn nông hộ.
Nông dân Philippines sản xuất giống ngô biến đổi gen kháng sâu bệnh. Ảnh: TL.
Một nghiên cứu gần đây có tên “Đánh giá tác động kinh tế của việc sử dụng ngô biến đổi gen ở Philippines” được xuất bản trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp đã ghi nhận sự gia tăng thu nhập của khoảng 460.000 nông hộ tại Philippines kể từ khi áp dụng trồng ngô biến đối gen.
Nghiên cứu đã xem xét đánh giá tác động về mặt kinh tế của việc trồng ngô biến đổi gen tại Philippines trong suốt 17 năm qua và cho thấy tổng năng suất tăng trưởng của quốc gia này ước tính cao hơn 11,45% nhờ vào việc áp dụng các giống ngô biến đổi gen.
Kể từ lần đầu được phê duyệt vào năm 2002, đến nay, diện tích trồng ngô biến đổi gen tại Philippines đạt khoảng 835.000 héc ta. Từ chỗ năng suất trung bình của cả quốc gia chỉ đạt 3 tấn mỗi héc ta, nhờ vào việc sử dụng ngô biến đổi gen con số này đã được tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba
Tính đến tháng 10/2020, Phòng Công nghiệp Thực vật của Bộ Nông nghiệp Philippines đã phê duyệt 42 sự kiện ngô biến đổi gen. 30 trong số đó để sử dụng trực tiếp làm thực phẩm, chế biến hay thức ăn chăn nuôi, trong khi 12 sự kiện dùng để trồng thương mại.
Các giống ngô mang đặc tính kháng sâu đều được giới thiệu cho nông dân sau khi được chính phủ nước này đánh giá kỹ lưỡng và phê duyệt bằng cách sử dụng các hướng dẫn quy định hiện hành về an toàn sinh học.
Ông Edilberto de Luna, Giám đốc điều hành CropLife Philippines cho biết “Thông qua các quy định về an toàn sinh học được chính phủ ban hành nhằm đánh giá mức độ an toàn và lợi ích của các tính trạng của ngô BĐG đối với sức khỏe con người và động vật cũng như môi trường, cả nông dân và người tiêu dùng đều đạt được lợi ích từ những đổi mới này vì mục tiêu an ninh lương thực và khả năng phục hồi của quốc gia”.
Sơn Trang