Nghi kỵ về thuốc diệt cỏ của Monsanto trên thế giới

Glyphosate được bồi thẩm đoàn Mỹ kết luận là yếu tố gây ung thư và bị một số quốc gia như Argentina, Sri Lanka hạn chế sử dụng.

Bồi thẩm đoàn Mỹ kết luận thuốc diệt cỏ của Monsanto gây ung thư

Một người sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup tại gần Paris tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.

 

Glyphosate, chất diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và là thành phần trong sản phẩm Roundup của Monsanto là chủ đề gây tranh cãi trên toàn cầu về tác động của nó với sức khỏe con người.

Monsanto được thành lập tại St. Louis, Missouri vào năm 1901, với định hướng sản xuất chất tạo ngọt. Đến những năm 1940, họ sản xuất các hóa chất sử dụng trong trang trại, bao gồm thuốc diệt cỏ 2,4-D. Họ đã kết hợp nó với 2,4,5-T để tạo ra chất độc da cam Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như dị tật bẩm sinh.

Nhà hóa học của hãng Monsanto khám phá ra glyphosate vào thập niên 1970 và công ty bán nó ra thị trường với tên thương mại là Roundup. Một số cơ quan đánh giá glyphosate an toàn nhưng nó cũng là tâm điểm của các vụ kiện và bị một số nước trên thế giới hạn chế sử dụng.

Tại Mỹ, bồi thẩm đoàn ở California ngày 19/3 kết luận rằng Roundup là một "yếu tố quan trọng" khiến Edwin Hardeman, 70 tuổi, bị ung thư hạch không Hodgkin sau khi dùng nó để xử lý cỏ dại ở vườn trong 25 năm.

Trước đó, vào tháng 8/2018, một tòa án ở San Francisco cũng phán quyết rằng thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro góp phần dẫn đến bệnh ung thư hạch không Hodgkin của người làm vườn Dewayne Johnson.

Bồi thẩm đoàn yêu cầu Monsanto bồi thường 288 triệu cho Johnson, người có hai con trai nhỏ và đang bị ung thư giai đoạn cuối. Số tiền bồi thường tòa yêu cầu sau đó được giảm xuống 78,5 triệu USD, Bayer dự định kháng cáo.

Tập đoàn hóa chất Đức Bayer đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm gần 40% kể từ khi mua lại Monsanto với giá 63 tỷ USD vào tháng 6/2018. Bayer phải đối mặt với tổng cộng 11.200 vụ kiện liên quan đến Roundup tại Mỹ.

Trong trường hợp của Hardeman, vụ kiện giờ chuyển sang giai đoạn hai. Bồi thẩm đoàn sẽ phải trả lời hai câu hỏi: "Monsanto có phải chịu trách nhiệm về bệnh trạng của Edwin Hardeman không?" và "nếu có thì Monsanto phải bồi thường như thế nào?".

Họ sẽ xem xét xem Monsanto biết bao nhiêu về những rủi ro từ việc sử dụng Roundup, liệu họ có cố gắng che giấu những rủi ro đó và liệu trên bao bì sản phẩm có nên chứa thông tin cảnh báo hay không.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tranh luận gay gắt trong hai năm trước khi quyết định gia hạn giấy phép cho glyphosate thêm 5 năm vào năm 2017.

Cơ quan điều hành của EU, Ủy ban châu Âu, dẫn chứng việc hai cơ quan khoa học là Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) và Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECA) phê duyệt glyphosate và không phân loại chất đó là chất gây ung thư.

Tuy nhiên, đánh giá của EFSA bị nghi ngờ sau khi truyền thông đưa tin rằng báo cáo của họ đã sao chép các phân tích trong một nghiên cứu của Monsanto.

Chính phủ Pháp hứa vào tháng 5/2018 rằng glyphosate sẽ bị cấm sử dụng "cho các mục đích chính" vào năm 2021 và "cho tất cả các mục đích" trong vòng 5 năm.

Ở một số khu vực của Argentina, nơi sử dụng lượng lớn glyphosate tại các cánh đồng đậu nành, gần như hàng ngày đều có tranh cãi giữa những người dân lo lắng về sức khỏe và những nông dân coi sản phẩm này là không thể thiếu.

Argentina không có quy định về glyphosate trên toàn quốc, nhưng lãnh đạo địa phương ở các thị trấn và thành phố đã thông qua các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Nông dân thường phản đối các biện pháp này, cho rằng chúng ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ.

Tháng 8/2018, một tòa án ở Brazil đình chỉ giấy phép các sản phẩm có chứa glyphosate, vốn được sử dụng rộng rãi tại cường quốc nông nghiệp Mỹ Latin này. Tuy nhiên, một tòa án cấp cao hơn đã dỡ bỏ lệnh cấm một tháng sau đó.

Colombia cấm phun glyphosate trên không vào năm 2015, nhưng Tổng thống Ivan Duque vào tháng này kêu gọi sửa lệnh cấm để đối phó với các cánh đồng coca dùng để điều chế cocaine.

Năm 2013, quốc hội nước Trung Mỹ El Salvador bỏ phiếu cấm 53 sản phẩm hóa chất nông nghiệp, bao gồm những sản phẩm chứa glyphosate. Tuy nhiên, lệnh cấm sau đó được dỡ bỏ với 11 sản phẩm - bao gồm cả thuốc diệt cỏ này.

Chính phủ Sri Lanka từng cấm nhập khẩu glyphosate vào tháng 10/2015 do lo ngại hóa chất gây ra bệnh thận mãn tính. Sau khi các tổ chức nông nghiệp chỉ ra rằng không nghiên cứu nào cho thấy có liên quan giữa bệnh và chất này, lệnh cấm nhập khẩu được dỡ bỏ vào tháng 7/2018. Việc sử dụng nó vẫn bị hạn chế đối với các đồn điền chè và cao su.

Nhiều đánh giá về tác động đến sức khỏe của glyphosate đã được đưa ra. Tháng 3/2015, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại glyphosate là "có thể gây ung thư ở người" dựa trên nghiên cứu dịch tễ học, nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu in vitro (nghiên cứu đối với các vi sinh vật, tế bào, hoặc các phân tử sinh học trong ống nghiệm).

Tuy nhiên, năm 2016, một ủy ban chung của WHO với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) về dư lượng thuốc trừ sâu đã ban hành một báo cáo nói rằng việc sử dụng công thức glyphosate không gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

Trước những nghi kỵ về độ an toàn của Roundup, tập đoàn Bayer bác cáo buộc glyphosate gây ung thư. Họ nói nghiên cứu khoa học độc lập trong nhiều thập niên đã chỉ ra rằng hóa chất này an toàn cho người sử dụng. Công ty giữ lập trường rằng "các cơ quan quản lý trên toàn thế giới coi thuốc diệt cỏ gốc glyphosate là an toàn khi sử dụng theo chỉ dẫn".

Nhưng giới phân tích đánh giá lập luận này có thể không đủ để trấn an các cổ đông. "Nếu bạn mong tình hình chứng khoán tốt lên thì bạn không muốn bị mắc kẹt với một công ty đang phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý", nhà phân tích Chris Beauchamp của công ty tài chính IG nói.

Phương Vũ