Từ tháng 3/2020 đến nay tại Nghệ An hầu như không có mưa, nắng nóng và gió Tây Nam xuất hiện sớm càng làm cho mức độ hạn hán và xâm nhập mặn càng tăng.
Nghiêm trọng hơn, hiện tại 96 hồ đập vừa và lớn do các công ty thủy nông quản lý và 965 hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý, chỉ ở mức dưới 50% dung tích thiết kế (trừ hồ Vực Mấu ở Quỳnh Lưu).
Tại hồ thủy điện Bản Vẽ và hồ Khe Bố mức nước trong hồ thấp thua xa so với dung tích thiết kế và so với trung bình nhiều năm. Lưu lượng dòng chảy trên các sông suối thấp thua trung bình nhiều năm từ 50 - 70%. Hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn trong vụ sản xuất hè thu năm 2020 là rất lớn.
Huyện Nghi Lộc là địa phương nằm chung trong vùng Nam - Hưng - Nghi và là vùng tưới nước bằng hệ thống bơm điện. Nguồn nước để bơm tưới hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn nước từ cống bara Nam Đàn chảy về. Những ngày vừa qua mực nước tại cống bara Nam Đàn xuống thấp ở mức 0,75 - 0,76/1,15 mét so với thiết kế. Vì vậy cả vùng Nam - Hưng - Nghi đều bị hạn nặng, riêng Nghi Lộc là huyện cuối kênh phải chịu hậu quả lớn nhất.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, đến nay toàn huyện gieo cấy được 3.000/5.000 ha lúa hè thu. Trong đó gần 2.000 ha bị hạn rất nặng, có nhiều nơi lúa gieo cấy xong đã khô nẻ. Đặc biệt ở các xã phụ thuộc nguồn nước từ sông Cấm không thể bơm được, vì nước nhiễm mặn.
Huyện Yên Thành có diện tích gieo cấy lúa hè thu nhiều nhất và nhanh nhất tỉnh. Đến nay đã cấy xong 10.600/11.400 ha, đạt xấp xỉ 93%. 800 ha còn lại chưa gieo cấy được tập trung ở các xã vùng cao, nguồn nước tưới chủ yếu từ hồ đập. Nhưng hầu hết hồ đập đã khô cạn nước. Đập lớn nhất huyện là đập Vệ Vừng ở xã Đồng Thành có dung tích thiết kế 18 triệu m3 nước, hiện chỉ còn hơn 5 triệu m3.
Hiện tại đã có gần 1.000 ha bị hạn nặng tập trung ở vùng cuối các kênh tưới. Nếu sự cố sập ở khoang số 10, 11 bara Đô Lương không được khắc phục sớm thì mức độ hạn chắc chắn sẽ xảy ra rất nghiêm trọng trên quy mô lớn không riêng gì Yên Thành mà cả vùng Diễn - Yên - Quỳnh.
Hạn hán vụ hè thu là nỗi lo thường trực của nông dân trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Minh họa.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tại thời điểm này không xả nước với lưu lượng lớn để phục vụ kinh doanh điện. Bởi nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn năm nay rất nghiêm trọng và sẽ kéo dài. Thời điểm xuất hiện đỉnh cao về hạn và mặn có thể xảy ra vào tháng 7, đầu tháng 8. Vì vậy các hồ đập thủy điện lúc này xả nước với lưu lượng thấp để tích trữ nước, dự phòng nước khi đỉnh hạn xảy ra nghiêm trọng nhất thì vẫn có nước dự phòng để phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt và hạn chế sự xâm nhập mặn vào sâu.
Các hồ đập lớn, vừa và nhỏ do các công ty thủy nông tỉnh, huyện hay xã quản lý, đều cần có một tổ quản lý và sử dụng nước. Tổ có nhiệm vụ quản lý và sử dụng nước rất tiết kiệm. Vùng nào khô hạn, đồng nào khô hạn thuộc xã, xóm nào, diện tích bao nhiêu phải được kiểm tra trước khi mở cống để đưa nước vào đồng ruộng. Nguồn nước tưới có hạn, vì vậy trước khi tưới nước phải thông báo cho nông dân biết để đắp bờ giữ nước tốt, không tưới nước quá lớn gây lãng phí nước, không tranh giành nhau để lấy nước…
Khuyến khích các xã, HTX chuẩn bị sẵn máy bơm dầu, bơm điện dã chiến để bơm từ nguồn nước ở các ao, hồ, đầm, sông suối… Khi nguồn nước tự chảy từ bara Nam Đàn, Đô Lương mức nước xuống quá thấp và nước ở trong các hồ đập cũng đã cạn kiệt.
Bằng mọi biện pháp ngăn mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Nghệ An có 4 cửa sông lớn, nước mặn rất dễ dàng xâm nhập sâu khi nắng hạn kéo dài kết hợp thủy triều dâng cao, đó là các sông: Hoàng Mai, sông Bùng, sông Cấm và sông Lam. Hiện tại sông Hoàng Mai và sông Bùng không đáng lo. Riêng sông Cấm do bara Nghi Quang quá xuống cấp, các cánh cửa cống đóng mở bị rò rỉ, hư hỏng nặng, nước mặn dễ dàng "chui" qua khi nước phía trên cống xuống thấp, nước triều dâng cao. Vì vậy nước mặn ở sông Cấm đã xâm nhập lên tận cầu Phương Tích, làm cho hàng trăm ha ruộng không gieo cấy được.
Biện pháp khắc phục tạm thời và trước mắt cố gắng hàn vá các chỗ bị hỏng của các cánh cửa cống và chèn ép kín các chỗ hở của các cánh cửa cống do lâu ngày không được bảo dưỡng và đại tu.
Ở sông Lam, hiện tại nước mặn đã xâm nhập sau từ 7 - 8 km vào đất liền. Khả năng nước mặn còn tiếp tục dâng vào sâu hơn nữa, nếu nắng nóng kéo dài, trời không mưa. Biện pháp tốt nhất là đề phòng bơm nhầm nước mặn vào đồng ruộng.
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An: Không kể vụ mùa, riêng vụ sản xuất hè thu năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 59.000 ha lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng. Nhưng chưa bao giờ sản xuất vụ hè thu gặp phải nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm như năm nay. Ngành nông nghiệp đã cùng các địa phương khẩn trương ứng phó bằng mọi biện pháp tích cực nhất.
Doãn Trí Tuệ