Tỉnh Nghệ An chỉ thị các đơn vị tăng cường mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất trong vụ xuân 2021.
Nông dân TX Thái Hòa đang chăm sóc vụ lúa xuân. Ảnh: Hồ Quang.
Để thực hiện thắng lợi đề án sản xuất vụ xuân năm 2021 với diện tích lúa 90.000ha, ngô 17.500ha, lạc 11.500ha và rau màu các loại 13.000ha, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 47 về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ xuân năm 2021.
Chỉ thị yêu cầu các huyện phải thành lập Ban chỉ đạo xản xuất, phân công người phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn. Phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước. Rà soát lại các nguồn nước tại hồ đập, sông suối để chuyển đổi cơ cầu cây trồng cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Đặc biệt, tỉnh đề nghị các đơn vị tăng cường mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất như: Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), VietGAP, ứng dụng công nghệ cao… để sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy mô hàng hóa và chuỗi giá trị sản phẩm.
Trong suốt quá trình sản xuất, tỉnh yêu các các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và vật tư nông nghiệp. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng giống, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng đưa vào phục vụ sản xuất.
Nông dân Quỳnh Lưu gấp rút hoàn thành cấy lúa vụ xuân 2021. Ảnh: Hồ Quang.
Ông Nguyễn Viết Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Kể từ đầu vụ sản xuất tới nay, Ban chỉ đạo sản xuất của huyện đã luôn điều động các thành viên đến cơ sở ruộng đồng để kiểm tra hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất đúng lịch thời vụ. Hiện Nghĩa Đàn đã cấy được 3.500ha lúa, cơ cấu giống lúa lai 80%, lúa thuần 20%. Diện tích ngô đã gieo trồng 700 ha, đạt hơn 70% kế hoạch. Sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, đến ngày mùng 3 bà con nông dân đã xuống đồng chăm sóc lúa và các loại cây trồng.”
Hiện, nông dân các huyện Đô Lương đã gieo cấy được 9.000ha lúa, Yên Thành 13.000ha… các huyện miền núi như Tân Kỳ, Quế Phong, Qùy Châu, đến nay cũng đã thực hiện đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. Theo quan sát của chúng tôi, sau Tết Tân Sửu, thời tiết nắng ấm, gió nhẹ nên tất cả các loại cây trồng đều phát triển tốt. Một số địa phương số mạ bị chết rét, đã kiểm tra làm lại kịp thời, một số nơi khi lúa bén rễ đã xuất hiện rầy rải rác.
Bà Nguyễn Thị San ở phường Quang Tiến, TX Thái Hòa khi thấy chúng tôi đến thăm ruộng liền ngưng tay làm cỏ bảo: “Ngày mùng 3 Tết bà con nông dân chúng tôi đều đã ra đồng chăm sóc lúa. Trên cánh đồng Trảy này ruộng nhà tôi cùng một số hộ khác, khi lúa bén rễ thì có thấy xuất hiện rầy rải rác, tuy nhiên nghe theo hướng dẫn của cán bộ, chúng tôi đã phun thuốc bảo vệ thực vật một lần là đã thấy hết.”
Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp trao đổi chia sẻ, vào đầu vụ xuân năm nay mặc dù thời tiết có rét đậm, rét hại, tuy nhiên Ban chỉ đạo sản xuất của huyện đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 47 của tỉnh, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời cử các thành viên đến tận từng cánh đồng để hướng dẫn nông dân từ khâu chọn giống, bắc mạ và kiểm tra chăm sóc các loại cây trồng.
Đến nay, ông Giang cho biết, huyện đã thực hiện đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch các loại cây trồng, trong đó số diện tích lúa 2.500ha, ngô 700ha và hàng trăm ha rau màu các loại đều phát triển một cách xanh tốt.
Hồ Quang