Đất bạc màu nhanh, năng suất thấp, bệnh thối củ hoành hành, giá cả bấp bênh... khiến vùng sắn nguyên liệu ở Văn Yên (Yên Bái) đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Đất bạc màu nhanh, bệnh thúi củ hoành hành
Gắn bó với cây sắn hàng chục năm nay nhưng sau khi kết thục vụ sắn 2022 - 2023, gia đình bà Vũ Thị Lê ở thôn Sặt Ngọt, xã Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã chuyển 0,5ha đất đồi mọi năm trồng sắn sang trồng cây quế, cây sắn chỉ được trồng xen trên diện tích này.
Bà Lê chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 0,5ha đất đồi nhưng nhờ chăm sóc tốt nên mỗi vụ sắn gia đình cũng thu về được khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, từ vụ sắn năm trước, xuất hiện tình trạng thối củ nên năng suất giảm một nửa, chỉ thu được 20 triệu đồng. Thất thu nên sau khi thu hoạch nốt vụ sắn năm nay, gia đình tôi đã quyết định trồng quế và chỉ trồng xen cây sắn”.
Mọi năm, cả thôn Sặt Ngọt có khoảng 50ha trồng thuần sắn và bà con coi đây là cây chồng chủ lực. Tuy nhiên khoảng 2 - 3 năm gần đây, đã có gần 40ha đất trồng sắn được người dân trồng xen quế. Nếu tình trạng bệnh thối củ làm giảm năng xuất sắn không được khắc phục và khi các diện tích quế đã phát triển cao bằng đầu người thì cây sắn sẽ bị thế chân hoàn toàn bằng cây quế.
Người dân xã Đông Cuông thu hoạch sắn niên vụ 2022 - 2023 với nỗi buồn do năng suất thấp. Ảnh: Thanh Tiến
Ông Lương Ánh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết, năng suất cây sắn của địa phương đã liên tục giảm trong vài năm trở lại đây, dẫn đến diện tích cũng ngày một giảm theo. Từ vài trăm ha, đến nay toàn xã chỉ còn khoảng 100ha. Mỗi năm diện tích cây sắn giảm khoảng 50ha do đất bạc màu, năng suất thấp và bà con nông dân chuyển sang trồng cây quế, keo, bồ đề... Cây sắn chỉ được coi là cây trồng phụ khi cây quế và các loại cây lâm nghiệp còn nhỏ, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì một thời gian nữa, diện tích cây sắn trên địa bàn xã sẽ không còn.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/ngay-tan-cua-cay-san-van-yen-d358367.html